Thực sự điên rồ. Tôi cùng với sếp Roy Kerth thay nhau nói suốt nửa giờ và
trả lời các câu hỏi từ phóng viên. Phóng viên truyền hình thường hỏi những
câu dễ (“Anh cảm thấy thế nào khi mọi chuyện đã kết thúc?”), còn phóng
viên báo giấy đặt những câu hỏi sắc cạnh và khó nhằn hơn – “Chính sách
quốc gia về an ninh máy tính nên như thế nào?” Hay “Có phải vậy là ý kiến
của Đô đốc Poindexter về việc đóng chặt cửa tiếp cận đối với những thông
tin nhạy cảm nhưng chưa được xếp hạng bí mật đã có bằng chứng biện hộ
rồi không?”
Không ai hỏi về NSA. Không ai nhắc đến Trung tâm An ninh Máy tính
Quốc gia. Nửa giờ lảm nhảm trên điện thoại của Sally thế là vô ích rồi.
Trước đó, tôi đã chán ngấy giới báo chí vì hiểu rằng họ sẽ bóp méo tất cả
mọi chuyện. Còn giờ đây, tôi đang có trong tay một đề tài kĩ thuật trải rộng
hai châu lục và kéo dài một năm làm việc. Giới truyền thông Mỹ sẽ viết về
nó như thế nào?
Chính xác một cách đáng ngạc nhiên. Bài viết kĩ thuật của tôi có nhiều chi
tiết hơn – lỗ hổng Gnu-Emacs, cách gã hacker bẻ gãy mật khẩu – nhưng tôi
vẫn không khỏi sửng sốt về cách giới truyền thông truyền tải câu chuyện
này. Những chi tiết quan trọng đều được nhắc đến – máy tính quân sự, cái
bẫy, và cả Chiến dịch Vòi hoa sen.
Và các phóng viên thậm chí còn xông xáo gọi cả sang Đức và bằng cách nào
đó tìm ra được thứ mà tôi chịu không tìm ra: tên của gã hacker. Họ đã gọi
cho hắn.