Tôi chỉ quan tâm đến vấn đề này sau khi rất nhiều điều xấu xa đã xảy ra. Tôi
ước rằng chúng ta sống trong một thời đại hoàng kim nào đó, nơi những
hành vi đạo đức được coi là mặc định; nơi những lập trình viên giỏi tôn
trọng quyền riêng tư của người khác; nơi chúng ta không cần lập các hàng
rào lớn nhỏ cho máy tính của mình.
Tôi rất buồn khi rốt cuộc lại thấy những lập trình viên tài năng chuyên tâm
tìm cách xâm nhập máy tính bất hợp pháp. Thay vì phát triển những phương
pháp mới để giúp đỡ lẫn nhau, những kẻ phá hoại lại mải lo tạo virus và
bom logic. Kết quả là gì ư? Hễ phần mềm gặp sự cố là mọi người lại đổ lỗi
cho virus, các phần mềm ở miền công cộng không được ai đoái hoài, và các
mạng lưới máy tính trở thành nguồn gốc gây ra những sự nghi ngờ.
Những mối lo ngại về an ninh quả thực sẽ phá vỡ luồng thông tin tự do,
trong khi tiến bộ về khoa học và xã hội chỉ có thể xảy ra trong một không
gian mở. Mối nghi ngờ mà các hacker mang đến sẽ gây cản trở cho công
việc của chúng ta, buộc các quản lí hệ thống phải ngắt kết nối với các cộng
đồng khác.
Đúng, chúng ta vẫn có thể chế tạo ra những máy tính và mạng lưới có độ an
ninh cao – những hệ thống mà kẻ bên ngoài không thể dễ dàng xâm nhập.
Nhưng những hệ thống ấy thường lại khó sử dụng. Và chậm chạp. Và đắt
đỏ. Trong khi chi phí liên lạc bằng máy tính vốn đã quá cao rồi – cộng thêm
việc mã hóa cùng các cơ chế xác thực tỉ mẩn sẽ chỉ càng khiến mọi thứ trở
nên tồi tệ hơn mà thôi.
Một mặt khác, dường như các mạng lưới của chúng ta đang trở thành mục
tiêu (và là kênh trung gian) cho hoạt động gián điệp ở quy mô quốc tế. Mà
nếu là một điệp viên tình báo, tôi sẽ làm gì nhỉ? Để thu thập các thông tin
mật, có thể tôi sẽ đào tạo để một mật vụ biết nói tiếng nước ngoài, đưa anh
ta đến một đất nước xa xăm, cung cấp cho anh ta tiền để đi hối lộ, rồi ngồi
nhà lo lắng rằng biết đâu anh ta sẽ bị bắt hay bị cung cấp thông tin giả mạo.