Hoặc tôi có thể thuê một lập trình viên máy tính bất hảo. Gián điệp kiểu này
thì không cần phải đi đâu cả. Rủi ro gây ra những sự cố đáng xấu hổ mang
tầm quốc tế cũng thấp. Mà cũng rẻ nữa – chỉ cần một vài máy tính nhỏ và
một vài kết nối mạng là xong. Thông tin thu về còn nóng hổi nữa chứ, vì
được lấy thẳng từ hệ thống xử lý văn bản của các mục tiêu bị tấn công.
Ngày nay, chỉ có duy nhất một quốc gia không thể tiếp cận bằng điện thoại:
Albania. Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của hoạt động gián điệp?
Ôi chao! Tôi đang nghĩ gì thế này? Tôi có phải là gián điệp đâu, tôi chỉ là
một nhà thiên văn học đã bỏ bê khoa học quá lâu rồi.
Trong lúc tắt bộ theo dõi và cuộn dây cáp lại, tôi chợt nhận ra rằng suốt một
năm qua, tôi đã lạc vào một mê cung. Tôi cứ nghĩ mình đang đặt bẫy, hóa ra
chính tôi lại mắc bẫy. Trong lúc gã hacker tìm kiếm các máy tính quân sự,
tôi lại dò dẫm ở nhiều cộng đồng khác nhau – trên các mạng máy tính và
trong chính phủ. Hành trình của hắn đưa hắn đến 30-40 máy tính; hành trình
của tôi lại tiếp cận cả chục tổ chức.
Hành trình truy đuổi của tôi đã thay đổi. Tôi cứ nghĩ mình đang săn lùng
hacker. Tôi tưởng rằng công việc của mình không có gì liên quan đến gia
đình hay đất nước mình. Suy cho cùng, tôi chỉ đang thực hiện công việc
được giao thôi mà.
Bây giờ, khi các máy tính trong phòng thí nghiệm đã được tăng cường an
ninh, các lỗ hổng đã được vá lại, tôi thong thả đạp xe về nhà, hái một vài
quả dâu để làm món sữa lắc cho Martha và Claudia.
Những con tu hú sẽ đẻ trứng ở các tổ khác. Còn tôi sẽ quay về với thiên văn
học.