Tôi nhìn vào các chương trình đang chạy (bằng lệnh ps, tôi làm theo cách
của gã hacker). Có virus. Nhưng nó không chạy một hay hai chương trình.
Mà là hàng trăm kết nối đến những máy tính khác.
Mỗi chương trình lại tìm cách tiếp xúc với một máy tính nào đó. Các kết nối
này đến từ khắp mọi nơi: những hệ thống gần Harvard, những máy tính xa
xôi từ mạng Arpanet.
Tôi vừa xóa được một chương trình thì một chương trình khác thế chỗ nó.
Tôi xóa tất cả cùng lúc, thì chưa đầy một phút sau chúng lại xuất hiện trở lại.
Trong vòng ba phút, đã có đến cả chục chương trình mới. Ôi Chúa ơi!
Ai đang sục sạo vào máy tính của tôi?
Virus sinh học là một phân tử có thể luồn lách vào tế bào và thuyết phục tế
bào đó sao chép phân tử virus thay vì sao chép phân tử DNA của tế bào. Sau
khi được sao chép, virus sẽ thoát ra ngoài tế bào và xâm chiếm những tế bào
khác.
Tương tự, virus máy tính là một chương trình có thể tự nhân lên. Giống như
virus sinh học, virus máy tính xâm nhập vào hệ thống, tự sao chép, và gửi
những bản sao của mình đến các hệ thống khác.
Đối với máy tính vật chủ, virus trông giống như một chuỗi lệnh hợp lệ,
nhưng lại mang đến những hậu quả khôn lường. Thông thường, các lệnh này
được chôn vùi trong những chương trình bình thường và ngủ yên cho đến
khi chương trình được thực thi. Khi chương trình bị nhiễm virus được khởi
động, mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi virus được kích hoạt. Sau đó, máy tính
sẽ bị đánh lừa và thực hiện sao chép các lệnh của virus tới nơi khác.
Nơi nào? Có thể virus sẽ tự sao chép sang một chương trình khác cũng trên
máy tính đó, khiến việc xóa bỏ virus trở nên khó khăn hơn. Hoặc sao chép
sang một đĩa lưu trữ, để một ai đó chuyển nó đến một máy tính khác.