chương trình và dữ liệu. Có cả một kho phần mềm nằm ở miền công cộng,
và phần lớn trong số đó đều có thể giải quyết các vấn đề của chúng ta.
Virus và bom logic đã đầu độc cái giếng chung này. Mọi người không còn
tin tưởng những chương trình công cộng nữa, và rốt cuộc nguồn nước ở cái
giếng này sẽ cạn kiệt.
Nhưng virus có một cách lan truyền khác: trực tiếp thông qua một mạng
máy tính.
Mạng Arpanet liên kết 80.000 máy tính trên khắp nước Mỹ. Bạn có thể gửi
email cho bất cứ ai trên những máy tính trong mạng này, gửi hay nhận file
thông qua Arpanet, hay (như Markus Hess đã cho thấy) đăng nhập vào
những máy tính kết nối với Arpanet.
Liệu một virus có thể lan truyền qua Arpanet? Một chương trình tự sao chép
từ một máy tính, truyền qua mạng lưới, đến các máy khác…
Tôi đã từng nghĩ đến điều này, nhưng lần nào cũng bác bỏ khả năng đó. Các
máy tính trên Arparnet có hàng rào bảo vệ là các mật khẩu để đăng nhập.
Hess khắc phục thách thức này bằng cách đoán mật khẩu. Liệu virus có thể
đoán mật khẩu như người không?
3:30 sáng, vẫn đang run rẩy bên máy Macintosh ở nhà, tôi quay số đến máy
tính của mình ở đài quan sát. Đó là một trạm máy Sun chạy hệ điều hành
Unix phiên bản Berkeley. Hàng trăm chương trình vẫn đang chạy. Hệ thống
của tôi bị quá tải nặng nề. Không có hacker nào cả. Chỉ có tôi.
Triệu chứng giống hệt ở Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley và Phòng
Thí nghiệm Ames của NASA. Có mùi virus.
Tôi gọi Darren Griffiths ở LBL. “Virus đấy,” anh khẳng định. “Tôi thấy
chúng nhân lên. Tôi đang cố xóa các chương trình, nhưng chúng lập tức
quay trở lại.”