Vì Thừa tướng đại nhân làm chủ khảo cho kỳ thi lần này, nên mọi
người đều từng được gặp hắn, hiểu rõ người này thần thông quảng đại,
quyền lực thông thiên đến mức nào, lại tự giác được rằng họa từ miệng mà
ra, nếu đắc tội với Thừa tướng đại nhân, sau này con đường làm quan biết
tính sao, chỉ sợ là sẽ càng ngày càng khó, nên chỉ biết trầm mặc không nói
gì.
Minh Trọng Mưu thấy mọi người đều im lặng, liền bật cười, “Mọi
người đều không nói được, như vậy đi, trẫm thấy thời tiết hôm nay rất đẹp,
các vị đều biết khúc thủy lưu thương làm thơ, chi bằng hôm nay mọi người
cùng khúc thủy lưu thương đi, chén rượu trôi đến trước mặt ai, thì người đó
phải trả lời, thế nào?”.
(Khúc thủy lưu thương là một nét văn hóa dân gian cổ xưa, hàng năm
vào tháng Ba âm lịch, mọi người bày những chén rượu quanh một con suối
quanh co, nước chảy đến trước mặt ai, thì người đó sẽ lấy uống, với mong
muốn xóa đi những điều không may mắn trong cuộc sống.)
Mọi người đành phải đồng ý.
Thế là bệ hạ cùng quần thần và những tân tiến sĩ vừa đăng khoa, tìm
một nơi trong cung điện để khúc thủy lưu thương, các tiến sĩ xếp thành
hàng ngang, ngồi quỳ trước dòng nước, sau khi những chiếc chén được rót
đầy rượu, thả trôi đến trước mặt ai, thì người đó phải uống cạn, rồi nói,
“Thầy là.”
Các tiến sĩ luân phiên đến lượt, có rất nhiều người tỏ ra e ngại uy tín
của Thừa tướng, nên đa phần đều nói những câu kiểu như “Thừa tướng đại
nhân học nhiều hiểu rộng, chúng tiểu nhân đã được chứng kiến rất nhiều
khi ở trường thi rồi, nên đều tự cảm thấy không thể bì kịp, rất khó để nghĩ
xem cuối cùng ai mới có thể bì được với Thừa tướng đại nhân”.