tôi lấy một tiếng mà chỉ ấn vào mặt tôi tờ yêu cầu thanh toán những hao hụt
về bát đũa , đồ gỗ hay quần áo.
Mỗi lần như thế, tôi tự nhủ mình không nên phản ứng một cách thái quá.
Tôi không cần phải buồn bã hay cảm thấy bị tổn thương. Đối với họ, tôi là
kẻ thoáng qua, nên nếu họ có quên tôi âu cũng là chuyện thường. Điều đó
chẳng khác gì việc tôi sẽ lần lượt quên tên họ. Thực ra, khi chuyển tới làm
ở một gia đình khác, chỉ riêng việc ghi nhớ những quy tắc mới thôi cũng đã
bận bịu quá rồi, còn đâu thời gian mà đa sầu đa cảm nữa.
Nhưng lần này không như thế. Điều làm tôi đau khổ nhất là giáo sư sẽ
không còn nhớ tới chúng tôi nữa. Giáo sư không thể hỏi bà chị dâu về lý do
chúng tôi nghỉ việc hay lo lắng về sự biến mất của Căn. Thậm chí ngay cả
cái quyền tự do được đắm chìm trong những kỷ niệm với chúng tôi những
lúc ông ngắm sao Hôm trên chiếc ghế bành hoặc giải toán trong thư phòng
cũng bị tước đoạt.
Nghĩ đến đó, lòng tôi như xát muối. Tôi thấy xấu hổ và bực bội với chính
mình vì đã phạm phải một sai lần không thể cứu vãn. Và tất nhiên, tôi
không thể tập trung vào công việc mới. Mặc dầu phần lớn các công việc
được yêu cầu đều thuộc loại lao động chân tay nặng nhọc (rửa năm chiếc
xe hơi nhập ngoại, quét dọn cầu thang của tòa nhà bốn tầng, chuẩn bị bữa
tối cho mười người v.v.), song hình ảnh giáo sư đã ăn sâu vào tiềm thức
luôn quanh quẩn trong đầu khiến thần kinh tôi kiệt sức trước tiên. Trong
tâm trí tôi, ngay cả lúc đang làm việc, giáo sư lúc nào cũng ngồi ủ rũ trên
giường. Và vì thế mà tôi luôn phạm phải những sơ suất đơn giản nhất khiến
bà chủ nổi đóa.
Tôi không hiểu ai đã thay tôi tới nhà giáo sư. Tôi mong sao cho người đó
không quá khác hình vẽ chân dung trên mẩu giấy nhớ kia. Phải chăng giáo
sư sẽ lại hỏi người giúp việc mới số điện thoại cùng cỡ giày và giải thích
cho cô ta những bí ẩn đằng sau chúng? Thật chẳng dễ chịu chút nào khi
tưởng tượng ra việc giáo sư chia sẻ những bí mật đó với một người mà tôi