7
Hễ cứ nhìn thấy số nguyên tố là tôi lại nhớ tới giáo sư. Chúng ẩn mình ở
mọi nơi trong cuộc sống thường nhật. Mác giá trong siêu thị, số nhà, bảng
giờ xe buýt, hạn sử dụng của món thịt hun khói, điểm kiểm tra của Căn…
Vừa trung thành với vai trò mà ai cũng nhìn thấy vừa can đảm bảo vệ và
gánh vác cái nghĩa vốn có đằng sau.
Tất nhiên, không phải cứ nhìn một cái là nhận ngay ra số nguyên tố. Nhờ
được giáo sư rèn giũa, tôi có thể đoán biết được các số nguyên tố dưới 100
bằng cảm giác mà không cần làm tính. Nhưng khi những con số lớn hơn,
tôi bắt buộc phải dùng đến phép chia. Có trường hợp mới nhìn thì tưởng
hợp số nhưng hoá ra lại là số nguyên tố, ấy vậy mà cũng không ít trường
hợp chắc mẩm là số nguyên tố song rốt cuộc lại tìm được nhiều ước số.
Tôi cũng học giáo sư bỏ sẵn một cây bút chì và cuốn sổ nhỏ vào trong túi
tạp dề. Để lúc nào đó có thể tính toán khi chợt nảy ra điều gì. Chẳng hạn,
lúc lau chùi tủ lạnh trong bếp nhà vị tư vấn thuế, dòng số hiệu sản xuất
2311 khắc chìm ở mặt sau cánh cửa bỗng đập vào mắt. Linh cảm rằng đó sẽ
là một con số thú vị, tôi rút cuốn sổ ra, quẳng nước rửa bát cùng giẻ lau
sang một bên và bắt đầu tính toán. Trước tiên tôi chia cho 3, rồi đến 7, rồi
đến 11. Không được. Số nào cũng bị lẻ 1. Tiếp đó là 13, 17, 19. Nhưng
cũng không chia hết. Hơn nữa, cái cách không chia hết ấy thật kỳ lạ. Nó
tuột khỏi tay vào đúng cái giây phút tưởng chừng như đã tóm được chân
tướng của nó. Nó vừa khiến người ta linh cảm về một bước tiến mới vừa
gây ra một cảm giác theo đuổi vô vọng đến khó tả. Đó bao giờ cũng là
phong cách của số nguyên tố.
Tôi nhận định 2311 là số nguyên tố, cất giấy bút vào túi rồi tiếp tục lau
chùi. Chỉ đơn giản vì số hiệu sản xuất của nó là số nguyên tố mà tôi bỗng