mặc dù bị đánh rơi, các chữ cái xếp đúng thứ tự. Vậy mà vẫn có cái gì đó
chưa ổn. Kể từ giây phút phát hiện ra bài chứng minh dành tặng N đang ẩn
mình trong bóng tối, đối với tôi, các quân bài bóng chày không còn là một
bộ sưu tập hoàn hảo nữa mà đã trở thành tấm áo quan chôn giấu những ký
ức của giáo sư. Tôi an trí tấm áo quan ấy vào sâu trong giá sách.
Chúng tôi đã trông đợi với niềm hy vọng dù mong manh, song rốt cuộc
chẳng có cú điện thoại nào gọi đến. Căn vẫn không từ bỏ những nỗ lực cuối
cùng như gửi bưu thiếp tới hòm thư độc giả của tạp chí hay hỏi han bạn bè,
thậm chí cả anh trai chúng. Còn tôi thì âm thầm lên kế hoạch cho một món
quà dự bị để đừng quá muộn trong trường hợp không kiếm được quân bài
như mong muốn. Nhưng biết chọn gì đây. Bút chì 4B, vở ghi chép, kẹp
giấy, giấy nhớ, sơ mi trắng… Những thứ giáo sư cần thật ít ỏi. Sự việc lại
càng khó khăn hơn khi không thể bàn bạc cùng Căn.
Phải rồi. Mình sẽ mua giày. Tôi nghĩ. Giáo sư cần một đôi giày. Một ý
tưởng thật hay, một đôi giày để giáo sư có thể tự do đi đến bất cứ đâu, bất
cứ lúc nào mà không bị mốc.
Tôi giấu món quà dự bị vào trong góc tủ hốc như vẫn làm thế hồi Căn còn
nhỏ. Nếu món quà chính đến kịp, tôi chỉ cần lẳng lặng đút chúng vào tủ
giày là xong.
Tia hy vọng bỗng lóe lên từ một hướng bất ngờ. Hôm đó, khi tới văn phòng
lĩnh lương, nghe xong câu chuyện của tôi, một đồng nghiệp ở Akebono bảo
rằng hình như trong kho cửa hàng tạp hóa của mẹ cô ngày xưa vẫn còn cất
giữ những quân bài bóng chày được tặng kèm với bánh kẹo. Tất nhiên, vì
có cả ông chủ tịch nghiệp đoàn ở đó nên tôi không đả động đến bữa tiệc
chúc mừng giáo sư và sinh nhật Căn mà chỉ đưa đẩy câu chuyện theo kiểu
thằng bé nhà tôi cứ đòi bằng được cái thứ như thế làm tôi bí quá. Thấy vậy,
cô bạn đồng nghiệp mới kể về món đồ khuyến mãi xếp xó trong nhà kho
của mẹ cô, tuy không có vẻ tự tin cho lắm.