Niềm hy vọng của tôi được nhen lên khi nghe nói mẹ cô đóng cửa hàng tạp
hóa vì lý do tuổi tác vào đúng năm 1985. Tháng Mười một năm 1985, trong
lô bánh kẹo bà nhập về cho chuyến tham quan của hội người cao tuổi gồm
cả loại sô cô la nọ. Bà bóc tất cả chỗ quà khuyến mãi mong mỏng đựng
trong những chiếc túi nhựa đen dán bên trong hộp sô cô la vì cho rằng
người già thì chẳng cần đến chúng. Và định bụng sẽ đem ra dùng khi nào
người ta đặt bánh kẹo cho chuyến dã ngoại của bọn trẻ vào mùa xuân. Chắc
chắn lũ trẻ sẽ khoái đồ khuyến mãi hơn người già. Không rõ bà có biết đó
là quân bài bóng chày hay không nhưng nhận định của bà hoàn toàn chính
xác. Chỉ có điều, đơn đặt hàng cho chuyến dã ngoại của bọn trẻ đã không
tới. Vì bà mắc bệnh và phải nghỉ bán hàng vào tháng Mười hai năm đó.
Như vậy, gần một trăm quân bài bóng chày đã ngủ im trong nhà kho của
cửa hiệu tạp hóa suốt một thời gian dài.
Từ nghiệp đoàn tôi ghé thẳng qua nhà cô bạn đồng nghiệp và khệ nệ ôm về
một thùng các tông nặng trịch, bụi bặm. Tôi đề nghị gửi trả lại ít tiền gọi là
nhưng người đồng nghiệp tốt bụng ấy đã dứt khoát từ chối. Tôi nhận lấy
với lòng biết ơn mà chẳng dám nói rằng nếu đem chúng tới cửa hàng
chuyên bán bài bóng chày thì có khi còn được giá hơn cả sô cô la ấy chứ.
Vừa về đến nhà, tôi và Căn lập tức bắt tay vào việc sàng lọc. Tôi lấy kéo
cắt túi còn Căn kiểm tra bên trong. Công việc chỉ có vậy song chúng tôi
hợp tác với nhau khá ăn ý và tiến hành một cách nhanh gọn, chính xác.
Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã trang bị cho mình những kỹ năng
thành thục liên quan tới các quân bài. Tới độ Căn có thể phân biệt được sự
khác nhau về chủng loại chỉ bằng một cái chạm tay.
Oshita, Hiramatsu, Nakanishi, Kinugasa, Boomer, Oishi, Kakefu,
Harimoto, Nagaike, Horiuchi, Arito, Bass, Akiyama, Kadota, Inao,
Kobayashi, Fukumoto… Các cầu thủ lần lượt xuất hiện. Đúng như những
gì anh chàng ở cửa hàng đã chỉ cho chúng tôi, có cả những quân bài in nổi
ba chiều hoặc có chữ ký viết tay hoặc ánh màu nhũ kim. Căn không còn