Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc nắm bắt cơ chế ghi nhớ của giáo sư. Theo
lời bà quả phụ thì trí nhớ của giáo sư đã dừng lại ở năm 1975, thế nhưng có
nhiều điều tôi không hiểu, chẳng hạn như đối với giáo sư ngày hôm qua là
bao giờ, giáo sư có đoán trước được ngày mai không và khuyết tật ấy gây
ra cho giáo sư những đau khổ nhường nào?
Dường như có một điều chắc chắn đó là dù nhiều ngày đã trôi qua nhưng
giáo sư vẫn không nhớ được sự tồn tại của tôi. Mảnh giấy vẽ khuôn mặt tôi
cài trên tay áo giáo sư chỉ nhắc giáo sư về một sự thật rằng tôi không phải
là người mới gặp chứ chẳng giúp được ông nhớ lại khoảng thời gian tôi ở
bên ông.
Những lúc đi mua đồ, tôi phải cố gắng thu xếp để có thể quay về trong
vòng một giờ hai mươi phút. Cái thiết bị hẹn giờ dài tám mươi phút cài đặt
trong óc giáo sư, thật hợp với một nhà toán học, còn chính xác hơn cả đồng
hồ. Nếu tôi trở về sau một tiếng mười tám phút kể từ lúc chào giáo sư và
bước ra khỏi cửa nhà, giáo sư sẽ đón tôi với câu nói: “Cô đã về rồi à. Vất
vả quá.” Còn nếu tôi đi mất một tiếng hai mươi hai phút, câu đầu tiên giáo
sư dành cho tôi sẽ lại là: “Cô đi cỡ giày số mấy?”
Tránh nói đến những chuyện giáo sư không biết đã dần dà trở thành một
thói quen. Tôi thường cảm thấy áy náy mỗi lần sơ ý buộc ra những câu
như: “Trên báo ra sáng nay, thủ tướng Miyazawa…” (trong khi vị thủ
tướng cuối cùng mà giáo sư biết là Miki Takeo), hoặc là “Sắp đến Thế vận
hội Barcelona rồi, hay là ta mua một chiếc vô tuyến thưa giáo sư?” (trong
khi kỳ Olympic cuối cùng mà giáo sư biết là Thế vận hội Munchen).
Bề ngoài, giáo sư có vẻ không bận tâm về điều đó. Khi không bắt kịp câu
chuyện, giáo sư nhẫn nại chờ cho tới lúc mình có thể tiếp tục phát ngôn chứ
không hề nổi nóng hay tỏ ra sốt ruột. Chỉ có điều, ông tuyệt nhiên không
bao giờ hỏi tôi về gia cảnh, rằng tôi làm công việc này bao lâu rồi, tôi xuất
thân từ đâu, có gia đình hay chưa. Có lẽ ông sợ sẽ làm tôi khó chịu nếu cứ
hỏi đi hỏi lại nhiều lần.