http://www.ebook.edu.vn
39
xào, nấu, luộc, kho. ... Suốt bữa ăn là cả một quá trình tổng hợp các món ăn. Bất kì
bát cơm nào, miếng cơm nào cũng đã là kết quả tổng hợp rồi : trong một miếng ăn
đã có thể có đủ cả cơm- canh-rau-thịt. Điều này khác hẳn cách ăn lần lượt đưa ra
từng món của người phương Tây - ăn hết món này mới đưa ra món tiếp theo - đó là
cách ăn theo lối phân tích hoàn toàn.
Cách ăn tổng hợp của người Việt Nam tác động vào đủ mọi giác quan : mũi
ngửi mùi thơm ngào ngạt từ những món ăn vừa bưng lên, mắt nhìn màu sắc hài hòa
của bàn ăn, lưỡi thưởng thức vị ngon của đồ ăn; tai nghe tiếng kêu ròn tan của thức
ăn (không phải ngẫu nhiên mà khi uống trà ngon người Việt thích chép miệng, khi
uống rượu ngon thích "khà" lên mấy tiếng), và đôi khi nếu được mó tay vào cầm
thức ăn mà đưa lên miệng xé (như khi ăn thịt gà luộc) thì lại càng thấy ngon!
Tính tổng hợp kéo theo tính cộng đồng. Ăn tổng hợp, ăn chung, cho nên các
thành viên của bữa ăn liên quan mật thiết với nhau, phụ thuộc chặt chẽ vào nhau
(khác hẳn phương Tây, nơi mọi người hoàn toàn độc lập với nhau - ai có suất người
ấy). Vì vậy mà trong lúc ăn uống, người Việt Nam rất thích chuyện trò (khác với
người phương Tây tránh nói chuyện trong bữa ăn). Thú uống rượu cần của người
miền Thượng (mọi người ngồi xung quanh bình rượu, tra những cần dài vào mà
cùng uống hoặc lần lượt chuyền tay nhau uống chung một cần) chính là biểu hiện
một triết lí thâm thúy về tính cộng đồng của người dân buôn làng sống chết có
nhau.
Tính cộng đồng trong ăn uống đòi hỏi nơi con người một thứ văn hóa giao
tiếp cao - văn hóa ăn uống. Bài học đầu tiên mà các cụ dạy cho con cháu là ăn trông
nồi, ngồi trông hướng. Vì mỗi thành viên trong bữa ăn của người Việt Nam đều
phụ thuộc lẫn nhau nên phải có ý tứ khi ngồi và mực thước khi ăn.
Tính mực thước đòi hỏi người ăn đừng ăn quá nhanh, quá nhiều hết phần
người khác, nhưng đồng thời cũng đừng ăn quá chậm khiến người ta phải chờ.
Người Việt Nam có tục khi ăn cơm khách, một mặt phải ăn sao cho thật ngon
miệng để tỏ lòng biết ơn và tôn trọng chủ nhà, nhưng mặt khác, bao giờ cũng phải
để chừa lại một ít trong các đĩa đồ ăn để tỏ rằng mình không chết đói, không tham
ăn; vì vậy mà tục ngữ mới có câu : ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ.
Tính cộng đồng trong bữa ăn thực hiện tập trung qua nồi cơm và chén nước
mắm. Các món ăn khác thì có thể có người ăn, người không, còn cơm và nước
mắm thì ai cũng xơi và ai cũng chấm. Vì ai cũng dùng, cho nên chúng trở thành
thước do sự ý tứ do trình dộ văn hóa của con người trong việc ăn uống. Nói ăn
trông nồi... chính là nói đến nồi cơm. Chấm nước mắm phải làm sao cho gọn, sạch,
không rớt. Hai thứ đó là biểu tượng của tính cộng đồng trong bữa ăn, giống như sân
đình và bến nước là biểu tượng cho tính cộng đồng nơi làng xã. Nồi cơm ở đầu
mâm và chén nước mắm ở giữa mâm còn là biểu tượng cho cái đơn giản mà thiết