Thêm nữa, gặp cảnh đông thiên lạnh lẽo và mùa mưa sắp đến, phần đông
bọn tù sẽ chết. Cũng có bọn chịu không nổi chết trước lần hồi, tụi còn sống
tha hồ có chỗ rộng rãi mà nằm duỗi chân. Tôi tin rằng khi dựng trại giam
này, các người đã dự liệu khoản ấy. Tôi không còn biết cách nào hơn là
nghiêng mình bái phục trước sự dự tính xác đáng rất khoa học của các
người.
Trước khi ngủ, tôi có nghe đọc một bài thuyết trình. Diễn giả, tự cho là giáo
sư Đại học đường Berlin, nói về vấn đề: Chất mỡ. Và chính do đề tài của
bài thuyết trình ấy mà tôi đem ra thảo luận với các người trong bản thỉnh
nguyện này.
Mỗi ngày, giáo sư đếm mấy hột đậu trong cháo phát cho chúng tôi ăn tại
trại giam. Ông đếm trọn ba mươi ngày liên tiếp, trưa và chiều, những hột
đậu trong cháo của khẩu phần ông. Ông cộng lại và lấy số trung bình. Rồi
ông quả quyết: một tù nhân được mỗi ngày mười hột đậu, trong hai buổi
cháo. Mấy viên cộng sự của ông cũng đếm hột đậu trong ga-mên cháo của
họ và nhìn nhận bài toán trúng.
Kế đó, giáo sư đếm vỏ khoai lang tây và ước phỏng số lượng chất bột đựng
trong cháo. Bài tính này cố nhiên là tính phỏng chừng vì giáo sư không
được phép vô nhà bếp.
Các người đều biết như tôi, rằng dân Đức rất sành về sự cân lường lắm.
Nên ta được phép giả thiết rằng các hột đậu được đếm rất đúng. Dân Đức
nhẫn nại và thận trọng. Sau ba ngày làm việc tỉ mỉ cẩn thận, giáo sư hoàn
thành công trình khảo cứu, rồi mới đem ra thuyết trình và được tất cả cử tọa
thẩm định về chân giá trị xác đáng của nó. Dân Đức thích nghe diễn thuyết
về nhiều đề tài khác nhau. Thói quen cổ truyền ấy có từ đời Trung cổ.
Thuật xong việc lượt cháo trong rây để đếm hột đậu mỗi ngày, giáo sư cho
biết số nhiệt lượng chứa trong một hột đậu. Tôi không nhớ rõ con số. Rồi
ông tính số nhiệt lượng trong mười hột đậu, cộng với số nhiệt lượng của
khoai lang và bột mà bọn tù chẳng bao giờ thấy, nhưng giáo sư đã nhìn