nhân. Cũng như ở Sparte, họ phụ thuộc vào Nhà nước nhiều hơn vào bất cứ
cá nhân nào, do vậy, có quyền độc lập vừa nhiều hơn vừa ít hơn một phụ nữ
tư sản sống trong chế độ tư sản chủ nghĩa.
Phong trào nữ quyền phát triển rộng rãi hơn hết ở Liên Xô. Nó được
manh nha vào cuối thế kỷ XIX, trong nữ sinh viên thuộc giới trí thức; họ
thiết tha với quyền lợi cá nhân ít hơn là với lý tưởng cách mạng nói chung.
Trong chiến tranh Nga Nhật, phụ nữ thuộc nhiều ngành nghề thay thế
đàn ông; họ có ý thức tự thân, và Liên minh vì quyền lợi phụ nữ Nga đòi
hỏi quyền bình đẳng nam nữ về chính trị. Một nhóm nghị sĩ vì nữ quyền
được thành lập trong Duma đầu tiên, nhưng hoạt động không có hiệu quả.
Công cuộc giải phóng lao động nữ xuất phát từ Cách mạng. Từ 1905, lao
động nữ tham gia rộng rãi những cuộc biểu tình chính trị của quần chúng tổ
chức trong nước. Năm 1917, mấy ngày trước Cách mạng, nhân dịp Ngày
quốc tế Phụ nữ (8 tháng ba), họ biểu tình rầm rộ trên các đường phố Sankt-
Peterburg đòi bánh mỳ, hoà bình và đòi chồng trở về. Họ tham gia cuộc
khởi nghĩa tháng Mười. Từ 1918 đến 1920, họ giữ một vai trò quan trọng
về kinh tế và cả quân sự trong cuộc chiến đấu của Liên Xô chống xâm
lược. Trung thành với truyền thống Marxist, Lêninist gắn liền sự nghiệp
giải phóng phụ nữ với công cuộc giải phóng người lao động; đưa lại cho họ
quyền bình đẳng về chính trị và kinh tế.
Điều 122 Hiến pháp 1936 ghi:
“Ở Liên xô, phụ nữ có quyền như đàn ông trong tất cả các lĩnh vực của
đời sống kinh tế, chức việc, văn hoá, công cộng và chính trị”.
Và những nguyên tắc này được Quốc tế cộng sản xác định. Tổ chức này
đòi hỏi:
''Quyền bình đẳng về mặt xã hội giữa đàn bà và đàn ông trước pháp luật
và trong đời sống thực tiễn. Thay đổi triệt để luật hôn nhân và luật gia đình.
Thừa nhận sự sinh đẻ với tư cách chức năng xã hội. Chăm sóc và giáo dục
trẻ em và thanh niên thuộc trách nhiệm xã hội. Đấu tranh về mặt văn hóa
chống ý thức hệ và truyền thống coi phụ nữ là nô lệ”.
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ thu được thắng lợi rực rỡ. Họ được bình
đẳng với lao động nam về tiền công và tích cực tham gia sản xuất; do đó,