không bình thường: có thể vào lúc bốn, năm tuổi. Trái lại, có trường hợp
tuổi dậy thì không xuất hiện: cô gái tính tình như trẻ em, bị mất kinh
(aménorrhée), hay đau kinh (dysménorrhée). Những trường hợp bất bình
thường này tuyệt đối không phải là biểu hiện cá thể chiến thắng ách thống
trị của loài: không có cách nào để thoát khỏi nó vì nó vừa khống chế vừa
bồi đắp cho đời sống cá thể; tính nhị nguyên này thể hiện ở cấp độ các chức
năng của buồng trứng; sức sống của đàn bà có cội rễ trong buồng trứng,
cũng như sức sống của đàn ông, trong tinh hoàn: trong cả hai trường hợp,
cá thể bị thiến hoạn không phải chỉ vô sinh mà thôi: không được “hình
thành” hay hình thành không thoả đáng, toàn bộ cơ thể bị “nghèo” đi và
mất cân bằng; nó chỉ phát triển với sự phát triển của hệ thống sinh dục. Tuy
nhiên, nhiều hiện tượng sinh dục không liên quan tới đời sống khác thường
của con người, thậm chí gây nguy hiểm cho cuộc sống ấy. Tuyến vú, phát
triển vào tuổi dậy thì, không có một vai trò nào trong kết cấu cá nhân của
phụ nữ: vào lúc nào trong đời họ, người ta cũng có thể cắt bỏ chúng. Đối
với toàn bộ cơ thể, những tiết xuất của buồng trứng tạo nên một yếu tố mất
cân bằng hơn là một yếu tố điều tiết; người đàn bà phải thích ứng với nhu
cầu của buồng trứng hơn là với bản thân mình. Từ tuổi dậy thì đến lúc tắt
kinh, họ là trung tâm một lịch sử diễn ra trong chính mình nhưng lại không
liên quan tới cá nhân mình. Người Anglo-Saxon gọi chu kì kinh nguyệt là
“the curse”, “tai ương”, và quả vậy, chu kì kinh nguyệt không có mục đích
cá nhân nào hết. Thời đại Aristote, người ta cho rằng mỗi tháng chảy ra một
dòng máu nhằm tạo nên, trong trường hợp thụ thai, máu và thịt hài nhi;
chân lí của cái lí thuyết ngày xưa này là ở chỗ người đàn bà suốt đời lo
công việc thai nghén. Ở loài động vật có vú khác, chu kì động đực này chỉ
diễn ra trong một mùa; nó không kèm theo hiện tượng chảy máu: chỉ ở loài
khỉ cao cấp và ở người đàn bà, nó mới diễn ra hàng tháng trong đau đớn và
máu. Quá trình phức tạp này, với khá nhiều chi tiết còn bí ẩn, làm chuyển
động toàn bộ cơ thể, vì đi theo nó là hiện tượng tiết ra các hormone tác
động đến tuyến giáp (thiroide) và tuyến yên (hypophyse), đến hệ thần kinh
trung ương và hệ thần kinh thực vật, và do đó, đến tất cả nội tạng. Hầu hết
phụ nữ hơn 85% đều có hiện tượng rối loạn trong thời kì này. Huyết áp