CHƯƠNG 4
Thế giới này bao giờ cũng thuộc về con đực: theo chúng tôi, không một
lý do nào người ta nêu lên để biện hộ cho hiện tượng ấy là thoả đáng. Bằng
cách lấy lại các dữ kiện của tiền sử và của dân tộc học dưới ánh sáng của
triết học sinh tồn (philosophie existentielle), chúng ta sẽ hiểu trật tự thứ bậc
đực, cái được thiết lập ra sao. Chúng tôi đã nêu vấn đề là khi hai chủng loại
người cùng tồn tại, thì chủng loại này muốn áp đặt quyền tối thượng của
mình đối với chủng loại kia; nếu cả hai cùng có đòi hỏi ấy, thì giữa hai bên,
nảy sinh một mối quan hệ tương hỗ, hoặc trong thù nghịch, hoặc trong tình
thân, nhưng bao giờ cũng trong không khí căng thẳng; nếu một trong hai có
ưu thế thì áp đặt nó đối với chủng loại kia và ra sức giữ chặt ưu thế ấy trong
áp bức. Vì vậy, chúng ta hiểu vì sao đàn ông muốn thống trị đàn bà: nhưng
ưu thế nào cho phép họ thực hiện ý muốn ấy?
Những tư liệu do các nhà dân tộc học cung cấp về các hình thái nguyên
thủy của xã hội loài người hết sức mâu thuẫn nhau. Muốn có được một ý
niệm về vị trí của phụ nữ trước thời kỳ nông nghiệp, là điều đặc biệt khó
khăn. Thậm chí không thể biết trong những điều kiện sống hết sức khác
biệt điều kiện ngày nay, hệ thống cơ bắp, bộ máy hô hấp của họ có phát
triển như ở đàn ông không. Họ được giao những công việc nặng nhọc, và
đặc biệt là chính họ phải mang vác; nhưng lý do sự kiện này không rõ ràng:
có thể họ được giao nhiệm vụ ấy là vì trong các đoàn người, đàn ông cần có
hai tay tự do để chống lại những con vật hay con người có thể tấn công; vì
vậy đàn ông giữ vai trò nguy hiểm nhất và đòi hỏi nhiều sức lực nhất. Tuy
nhiên trong nhiều trường hợp, phụ nữ vẫn đủ sức lực và dẻo dai để tham
gia những cuộc viễn chinh của những người chiến đấu. Theo truyện kể của
Hérodote
và theo các truyền thuyết về bộ lạc Amazone ở Dahomey
và
nhiều bằng chứng cổ đại hay hiện đại khác, phụ nữ có tham gia những cuộc
chiến tranh hay những cuộc trả thù đẫm máu, tỏ ra dũng cảm và tàn bạo
không kém đàn ông: người ta nhắc tới những người đàn bà cắn ngập răng