Thân phận cụ thể của người phụ nữ không ảnh hưởng của típ dòng dõi
chiếm ưu thế trong xã hội; dù là chế độ phụ hệ hay mẫu hệ, bao giờ họ
cũng ở dưới sự giám hộ của đàn ông; câu hỏi duy nhất được đặt ra là sau
hôn nhân, họ vẫn thuộc quyền lực của ông bố hoặc của người anh cả, hay
chuyển sang chịu quyền lực của chồng? Dầu sao thì: “Người đàn bà bao
giờ cũng chỉ là biểu tượng của dòng dõi mình... dòng dõi mẫu hệ, đó là bàn
tay của ông bố hay của người anh trai người phụ nữ chìa ra tới tận làng
người anh này”
. Họ chỉ là người trung gian của pháp luật, không bao giờ
là người nắm pháp luật. Thực ra, xác định quan hệ giữa hai nhóm nam giới,
là chế độ dòng dõi, chứ không phải quan hệ giữa hai giống đực, cái.
Trên thực tiễn, thân phận cụ thể của người phụ nữ không có quan hệ
vững chắc với kiểu pháp luật này hay kiểu pháp luật kia. Có thể trong chế
độ mẫu hệ, họ giữ một vị trí rất cao: tuy nhiên vẫn phải chú ý là sự có mặt
của một phụ nữ thủ lĩnh, một bà hoàng hậu, người cầm đầu một bộ lạc,
không có nghĩa tuyệt đối là phụ nữ trong bộ lạc ấy có chủ quyền: Catherine
lên ngôi Sa hoàng vẫn không hề làm thay đổi số phận của nữ nông dân
Nga, và họ vẫn phải sống trong ô nhục. Vả lại, rất hiếm có trường hợp
người vợ vẫn ở trong thị tộc mình và người chồng chỉ được phép đến thăm
viếng một cách vội vã, thậm chí lén lút. Hầu như bao giờ, người vợ cũng
đến ở nhà chồng: sự kiện ấy đủ để thể hiện ưu thế của đàn ông. Theo Lévi
Strauss, “phía sau những sự dao động của phương thức dòng dõi, sự có mặt
thường trực của người vợ ở nhà chồng xác nhận mối quan hệ không đối
xứng căn bản giữa hai giống đực, cái; mối quan hệ này đặc trưng xã hội
loài người. “Vì người mẹ giữ con ở lại với mình, nên kết quả là tổ chức
lãnh thổ của bộ lạc không khớp với tổ chức tô tem của nó: tổ chức này
được thiết lập một cách căn bản, còn tổ chức lãnh thổ thì ngẫu nhiên;
nhưng trong thực tiễn, tổ chức lãnh thổ có vị trí quan trọng nhất, vì nơi
người ta sinh sống và lao động có giá trị hơn chuyện quan hệ về mặt thần
linh huyền bí.
Trong các chế độ quá độ, vốn phổ biến hơn cả, có hai loại quyền lực, một
mang tính chất tôn giáo, một xây dựng trên cơ sở công việc và lao động