thích, và y đem áp dụng trở lại đối với phụ nữ. Tất cả những gì y kiếm
được, là bằng cách chống lại phụ nữ. Y càng hùng mạnh thì phụ nữ càng sa
sút. Đặc biệt khi trở thành chủ đất, y cũng đòi hỏi quyền sở hữu đối với đàn
bà. Trước kia, y bị thế lực huyền bí siêu nhiên, bị Trái đất chiếm đoạt. Giờ
đây, y có một linh hồn, những vùng đất. Giải thoát khỏi người Đàn bà, y
cũng đòi hỏi một người đàn bà và một hậu duệ của riêng mình. Y muốn lao
động gia đình y sử dụng cho ruộng đồng, hoàn toàn là của riêng của y và vì
vậy, những người lao động phải thuộc về y: y nô dịch vợ và con cái. Y phải
có những người thừa kế kéo dài cuộc sống trần thế của mình vì y để lại tài
sản cho chúng, và thực hiện, sau khi y qua đời, những nghi thức thờ phụng
cần thiết cho sự yên nghỉ của linh hồn y. Việc thờ cúng gia thần bổ sung
việc thiết lập quyền tư hữu tài sản, và chức năng thừa kế mang tính chất
vừa kinh tế vừa huyền bí. Vì vậy, khi nông nghiệp không còn là hoạt động
chủ yếu mang tính ma thuật nữa và trở thành trước hết một thứ lao động
sáng tạo, thì người đàn ông tự khám phá ra mình với tư cách là lực lượng
sinh sản; họ đòi quyền đối với con cái cũng như đối với mùa màng
.
Trong thời kỳ nguyên thủy, không có cuộc cách mạng ý thức hệ nào quan
trọng hơn cuộc cách mạng thay thế chế độ mẫu hệ bằng quan hệ phía cha
(agnation); từ nay, người mẹ bị đưa xuống hàng vú nuôi, tôi tớ, và uy quyền
của người cha được ca ngợi; người cha nắm quyền và truyền lại cho con
cháu. Trong Euménides của Eschyle
, Apollon
tuyên bố những “chân lý
mới mẻ” này:
“Không phải người mẹ đẻ ra cái mà người ta gọi là con của người đó:
người mẹ chỉ là vú nuôi cái mầm được rót vào trong lòng mình; người sinh
đẻ, chính là người cha. Người đàn bà tiếp nhận cái mầm như một người cất
giữ xa lạ, và nếu thần linh muốn, thì người đó giữ gìn nó”.
Rõ ràng lời khẳng định này không phải là kết quả của một phát kiến khoa
học, mà là một lời tuyên bố tín ngưỡng. Chắc hẳn kinh nghiệm về quan hệ
nhân quả trong kỹ thuật trong đó người đàn ông tin chắc năng lực sáng tạo
của mình, đã đưa họ tới chỗ nhận ra mình cũng cần thiết như người mẹ
trong việc sinh con đẻ cái. Quan niệm này chỉ thu hẹp trong việc thừa nhận