vợ mẹ (épousemère) không thể bị sát thương nhưng rầu rĩ, dùng hết sức lực
tìm kiếm thân thể và hồi sinh. Người ta thấy xuất hiện ở Crète cặp vợ
chồng này mà người ta gặp lại trên tất cả các bờ Địa Trung Hải: đó là Isis
và Horus ở Ai Cập, Astarté và Adonis ở Phénicie, Cybèle và Attis ở Tiểu
Á; Rhéa và Zeus ở cổ Hy Lạp. Rồi Nữ thần Mẹ bị phế truất. Ở Ai Cập, nơi
vị trí phụ nữ vẫn tiếp tục gặp thuận lợi một cách đặc biệt, nữ thần Nou thiện
thân của bầu trời, và Isis, hiện thân của mặt đất được thụ tinh và là vợ của
Osiris, sông Nile vẫn là những nữ thần cực kỳ quan trọng; tuy vậy, Ra thần
mặt trời, ánh sáng và nguồn năng lượng nam tính, là nhà vua tối cao. Ở
Babylone, Ishtar chỉ còn là vợ của BelMardouk
, vị thần sáng tạo ra mọi
vật và bảo đảm sự hài hoà của chúng. Thần của người Sémite là một nam
thần. Khi Zeus trị vì trên bầu trời, thì Géa, Rhéa, Cybèle phải thoái vị:
Déméter
chỉ còn là một vị thần thứ yếu tuy vẫn quan trọng. Các vị thần
trong kinh Vệ đà có vợ, nhưng những người vợ này không được thờ phụng
ngang hàng chồng. Còn thần Jupiter La Mã thì không một vị thần nào sánh
nổi.
Rõ ràng sự chiến thắng của chế độ phụ quyền không phải là một hiện
tượng ngẫu nhiên và cũng không phải là kết quả một cuộc cách mạng bằng
bạo lực.
Ngay từ buổi đầu của nhân loại, ưu thế sinh học của đàn ông đã cho phép
họ khẳng định một mình mình là những chủ thể tối thượng. Họ chưa bao
giờ từ bỏ ưu thế ấy: họ có tha hoá một phần cuộc sống của mình trong Tự
nhiên và trong người Đàn bà, nhưng về sau giành giật nó lại. Buộc phải giữ
vai trò người Khác, người đàn bà cũng buộc chỉ có được một quyền lực
mong manh: dù là nô lệ hay là thần tượng, không bao giờ tự họ chọn lấy số
phận của mình. Frazer
từng nói: “Đàn ông làm ra thần thánh; đàn bà thờ
phụng các thần thánh ấy”. Chính đàn ông quyết định thần thánh của mình
là nam hay nữ; vị trí của người đàn bà trong xã hội luôn luôn là vị trí do
đàn ông quy định. Chưa có thời kỳ nào đàn bà tự đặt ra luật lệ cho riêng
mình.