Tuy nhiên, cái Ác cần thiết cho cái Thiện, vật chất cần thiết cho tinh
thần, đêm tối cần thiết cho ánh sáng. Người đàn ông biết rằng muốn thoả
mãn dục vọng, muốn vĩnh truyền cuộc sống, người đàn bà là cần thiết đối
với họ; họ buộc phải sáp nhập người đàn bà vào xã hội: chừng nào chịu
tuân theo trật tự do đàn ông thiết lập, người đàn bà được gột rửa khỏi vết
dơ cội nguồn. Quan niệm ấy thể hiện rất rõ trong luật Manou:
“Qua một cuộc hôn nhân chính thức, người đàn bà mang theo những
phẩm chất giống như của chồng, chẳng khác nào dòng sông sáp nhập vào
biển cả, và sau khi qua đời, được chấp nhận vào cùng một thiên đường với
chồng”.
Kinh thánh thì hào hứng vẽ lên chân dung “người phụ nữ mạnh”. Tuy
thù ghét xác thịt, đạo Cơ đốc vẫn tôn kính cô gái đồng trinh được dâng lên
lễ thánh và người vợ trinh nguyên và ngoan ngoãn. Thậm chí, liên kết vào
công việc thờ phụng, phụ nữ có thể có một vai trò quan trọng về tôn giáo;
người nữ tăng lữ trong đạo Bà la môn ở Ấn Độ, người nữ tư tế ở Cổ La Mã
cũng “thánh thiện” như chồng. Trong đôi vợ chồng, thì người đàn ông
thống trị, nhưng sự kết hợp hai nguyên lý đực và cái vẫn cần thiết cho cơ
chế sinh sản, cho cuộc sống và trật tự xã hội.
Chính hiện tượng lưỡng trị này của người Khác, của con Cái được phản
ánh trong phần sau lịch sử phụ nữ: cho tới tận ngày nay, họ vẫn phải phục
tùng ý chí của đàn ông. Nhưng ý chí này không rõ ràng: bằng một sự sáp
nhập hoàn toàn, phụ nữ bị đưa xuống hàng một đồ vật. Vả lại, đàn ông
muốn dung phẩm giá của chính mình khoác cho những gì họ chinh phục và
chiếm đoạt được. Đối với họ, người Khác vẫn giữ một ít quyền ma thuật
nguyên thuỷ. Làm thế nào để xem người vợ vừa là một con ở vừa là một
người bạn đường, là một trong những vấn đề họ sẽ tìm cách giải quyết.
Thái độ của họ sẽ biến chuyển qua các thế kỷ, và sẽ kéo theo một sự
chuyển biến về số phận phụ nữ
.