Hữu nói:
- Công việc của anh tôi mê lắm. Tôi phải tập mới được. Còn việc khắc
dấu nữa. Quả thực là anh khéo tay.
- Đừng có khen. Rồi anh cũng sẽ làm được như vậy. Làm riết nó quen
thôi. Anh biết không, lâu nay người ta vẫn làm dấu nổi bằng đồng, tôi
nghiên cứu làm bằng gỗ và rồi hiện giờ thì cao su. Anh có tin rằng cao su
mà vẫn có khả năng ép được con dấu nổi không?
- Làm được sao?
Bảy Trung mỉm cười, chậm rãi rót nước trà ra tách. Anh nói:
- Thôi để lần khác. Tôi sẽ làm cho anh coi.
Hữu cũng uống nước trà. Tiếng xe cộ chạy ngoài đường nghe đã thưa,
một lát có tiếng còi tàu huýt lên ở đâu rất xa.
Bảy Trung ngồi uống nước trà mà mắt không rời bộ dạng tiều tụy của
Hữu, anh ái ngại hỏi:
- Anh ở tù cũng hơn năm năm phải không?
- Năm năm bốn tháng.
- Lâu nay có được tin hai bác ở nhà không?
- Mẹ tôi mất từ lâu rồi, còn cha tôi bây giờ chắc cũng đã già yếu lắm
rồi. Hay là tôi thử về thăm nhà một chuyến được không?
Bảy Trung cười. Dường như câu hỏi của Hữu đã xóa đi được vết nhăn
trên vầng trán anh. Anh nói:
- Kể ra thì sau hơn năm năm xa cách, anh về thăm nhà cũng nên lắm,
chính tôi cũng đang lo tới chuyện đó nhưng liệu có bảo đảm an ninh
không? Giấy tờ đi đường thì không sợ đâu chỉ ngại khi về tới nhà. Mạng
lưới mật vụ của chúng cũng đáng ngại lắm.
Hữu nói:
- Tôi có một người thầy ở ngoại ô thành phố Qui Nhơn. Nếu về có thể
ghé đó vào ban đêm sáng đi sớm thì bảo đảm an toàn.
- Để rồi anh em mình bàn kỹ lại chuyện đó thêm. Tôi nghĩ anh cũng
nên về lắm. Ngày mai tôi đem thẻ sinh viên và giấy hoãn dịch lại cho anh.
Hữu vui vẻ hỏi:
- Giấy hoãn dịch à? Hoãn dịch vì lý do gì? Gia cảnh hay học vấn?