không ủng hộ chánh quyền Sài Gòn nhưng cũng thờ ơ với cách mạng. Sự
thực là như thế.
- Đó, Hữu nói, chính cái đa số lưng chừng ấy mới là đối tượng mà ta
phải tranh thủ. Nếu ta khinh họ không biết gì, coi họ là kẻ nhởn nhơ đồng
lõa với tội ác rồi có thái độ thù ghét, xa rời họ thì ta hoạt động với ai? Ta
hoạt động để làm gì? Đó là tự cô lập mình với quần chúng. Làm cách mạng
mà không có quần chúng là chết. Là thất bại. Là tự nộp mình cho an ninh,
mật vụ…
Khâm ngồi im như tượng đá. Nhạc trong quán chợt chuyển sang một
điệu buồn.
- Còn Ban đại diện. Thế nào anh?
Khâm dường như chưa ra khỏi cơn bàng hoàng. Anh uống tiếp một
ngụm cà phê, hai môi còn chúm lại.
- Kể ra chúng cũng được một số sinh viên thích, nhờ thường tổ chức
những cuộc đi chơi, có khi mời cả ca sĩ phòng trà về hát tại trường. Anh
cũng biết rõ là tiền bạc chúng rất sẵn.
- Theo anh thì trong mùa bầu cử sắp tới đây ta có hy vọng thắng
không?
- Cái đó còn tùy. Ý kiến của hai đồng chí kia thì có hy vọng nhưng tôi
thì tôi thấy hơi khó. Cái trước mắt là làm thế nào để tập hợp được một liên
danh mạnh.
- Thôi được, chuyện bầu cử cũng còn lâu, lần sau chúng ta sẽ bàn kỹ.
Hai người đứng lên ra khỏi quán. Mỗi người đi mỗi ngả.
Thành phố đã lên đèn. Hữu qua đường, rẽ sang bên hông chợ Tân
Định đón xe buýt về nhà.
Chừng nửa giờ sau Bảy Trung đến.
- Gặp không? – Bảy Trung hỏi ngay khi lên tới đầu cầu thang.
- Gặp. Rất trong sáng.
- Vậy đó. Khi có công tác gì mạo hiểm là anh ta nhận ngay. Làm việc
say mê, nhiệt tình rất cao. Rồi anh sẽ biết. Một người đa cảm và rất dễ xúc
động.
- Khâm được kết nạp Đoàn lâu chưa?