Chiếc xe lao tới và thắng rất gấp trước một căn nhà gạch nhỏ. Cang
nhảy xuống xe. Vừa bước vào nhà nó đã thấy mọi người sửa soạn hành lý
chuẩn bị lên đường. Trong khi ấy Tú vẫn ngồi im bên đống va-li của mình,
ôm đứa con trong lòng. Cang hỏi:
- Sao không lo chạy?
- Tao không chạy.
- Ai người ta cũng lo chạy vô Sài Gòn kìa.
- Mặc kệ họ.
- Bộ chị tính nộp mạng cho Việt cộng à?
- Nộp mạng thì nộp. Tao không chạy. Chạy hết nổi nữa rồi.
Cang quơ lấy cái xách tay của mình. Tú vẫn ngồi yên. Nó nói:
- Chị không chạy, tui chạy.
- Chạy thì chạy đi. Tao cũng cóc cần mày.
Thế là Cang dông một mạch ra xe. Nó ném cái xách tay xuống dưới
chân làm ra vẻ coi thường. Nó không muốn Sáu Cùi chú ý đến cái xách.
Ngày 30 tháng 3 vẫn còn những chuyến xe đò từ Nha Trang, Cam
Ranh chạy vô Nam. Nói là vô Nam nhưng sự thực xe chỉ đến Phan Thiết.
Xe đò trút hành khách xuống thành phố này và lại trở ra chở dân di tản
khách vô Nam với những giá tiền càng ngày càng tăng vọt.
Bọn Sáu Cùi vào đến Phan Thiết mới hay là “quân đội Việt Nam Cộng
Hòa” đã cắt quốc lộ Một tại Bình Tuy và cấm mọi xe cộ vào Sài Gòn.
Thành phố Phan Thiết nhỏ bé thành một con đê tích lũy, chịu đựng những
con nước xoáy từ khắp nơi đổ về ào ạt. Xe cộ đùn lại nghẹt cứng trên
đường Trần Quý Cáp. Những xe đi vô mấy hôm trước bị chặn ở Bình Tuy
lộn trở ra, đụng đầu với hàng ngàn xe cơ giới đủ loại từ Qui Nhơn, Nha
Trang, Cam Ranh, Phan Rang đổ vào, quần thảo nhau gầm gừ nhau, húc
vào nhau suốt một quãng đường dài từ Phú Long, ngang qua thành phố cho
tới Phú Sung ở phía tây.
Xe của bọn Sáu Cùi mắc kẹt gần rạp xi-nê Hồng Lợi từ bốn giờ chiều
tới nửa đêm ngày 30 tháng 3 năm 1975 mới thoát ra được bằng cách quẹo
qua đường Đồng Khánh rúc đầu vô một khách sạn ở gần chợ Phan Thiết.