Hữu kín đáo trở lại trường, trường vẫn đông đảo, chen chúc như cái
rạp hát. Những phòng học, những giảng đường mới đang xây lở dở, xây tới
đâu học tới đó. Ngày trước nhà trệt lợp ngói thấp lè tè với hai chục ngàn
sinh viên thay nhau lui tới, ngày nay thêm mấy từng lầu nữa, sĩ số đã tăng
lên bao nhiêu rồi mà ồn ào náo nhiệt, mà xanh đỏ tím vàng rằn ri đủ thứ,
mà tóc tai, môi má vẽ vời, mà nước hoa trộn với mồ hôi ngai ngái… Nhưng
lạ thay, những lúc đặt chân vào khuôn viên, Hữu vẫn thấy lòng xao xuyến
như gặp lại một người thân. Tại sao? Mình yêu mến cái gì ở nơi chốn xô bồ
rỗng tuếch này? Nhiều lần anh đã phẫn nộ trước muôn vàn nhởn nhơ ngu
ngốc. Thế mà giờ đây, thăm lại trường, vẫn thấy có điều gì rất yêu dấu. Có
phải đó là những dáng dấp tận tụy quen thân của những người đồng chí cũ?
Có phải những vừng trán đẫm mồ hôi một đêm nào đốt đuốc giữa khuôn
viên? Có phải những vệt máu hồng đã loang lổ trên những tà áo trắng? Và
có phải không, nơi cái bực cấp đi lên này, đồng chí Mười Thanh đã bị hai
tên an ninh chìm đánh gục trên vũng máu?
Những đồng chí ấy, những người bạn năm trước bây giờ không còn ai
nữa nhưng trường vẫn giữ nguyên mối tình với Hữu. Quanh đây toàn là
những kẻ xa lạ, những sinh viên trẻ trung hào nhoáng nhưng Hữu biết giữa
cái bề ngoài ấy, cách mạng vẫn có mặt, vẫn lớn lên như một nụ mầm.
Nhưng giờ đây, còn ai biết anh là người đồng chí? Hữu chợt nghĩ đến
Hạnh. Khi còn ở tù dường như có lần anh nghe đồn Hạnh được trả tự do
nhờ sự “đút lót” của một người chú ruột làm đại tá trong quân đội Sài Gòn.
Buổi chiều anh đi ngang đường Ngô Thời Nhiệm. Toàn biệt thự. Ngôi
nhà của Hạnh ngày xưa vẫn không có dấu hiệu gì là đã đổi chủ. Hữu định
nếu đi ngang cổng mà thấy Hạnh là tìm cách gặp nhưng lần nào nhìn vô
trong anh cũng chỉ thấy những gốc cây sứ chạy cong cong theo một lối đi
trải sỏi trắng.
Sáng hôm sau Hữu quyết định vào nhà hỏi thăm. Anh bấm chuông.
Một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi tiến ra cổng.
- Cậu hỏi ai?
- Thưa bà, tôi xin phép gặp chị Hạnh.
Người đàn bà nhìn Hữu giây lâu, dò hỏi, e dè, lưỡng lự.