- Xin lỗi, cậu tìm có việc gì?
- Dạ, tôi là bạn học cũ, lâu ngày ghé thăm.
Người đàn bà đặt tay lên cánh cửa cổng, nụ cười gượng gạo với những
nếp nhăn của thời gian.
- Cô ấy không còn ở đây nữa. Cổ đi theo chồng rồi.
Hữu chào người đàn bà.
Suốt quãng đời hoạt động trong các phong trào sinh viên học sinh
ngày trước anh đã gặp gỡ Hạnh nhiều lần, đã từng giữ chung một đầu biểu
ngữ, từng sống những ngày vui lao động trong các chuyến công tác xa,
những đợt cứu trợ đồng bào chiến nạn và từng chứng kiến những cảnh tù
đày tra tấn dã man sau đêm hát tại trường Văn khoa chống vụ tàn sát ở Mỹ
Lai và đòi hòa bình độc lập. Anh đã sống bao nhiêu kỷ niệm với người con
gái ấy nhưng chưa lần nào anh nghĩ đến một mối tình, thế mà câu nói giản
đơn của người đàn bà lúc nãy chợt làm anh xao xuyến. Cô ấy không còn ở
đây nữa, cổ đi theo chồng rồi. Chồng của Hạnh là một người như thế nào?
Đang lúc bị giam. Hạnh được thả ra, điều ấy có liên quan gì đến cuộc hôn
nhân sau đó?
Hữu đi bộ một mình dọc theo đường Công Lý. Mùa thu hoa me rụng
vàng trên vỉa phố. Lá trên cao vẫn xanh, vẫn kết dày đặc thành mái vòm
nhưng hoa vàng cứ bay nghiêng nghiêng theo cơn gió đi qua, nhìn từ xa
thấy nhỏ li ti và mịn như phấn thông… Hoa bay lạc trong không gian lấp
lánh, vàng như hạt nắng sớm của một ngày nào đó cách đây năm năm trên
vùng rừng chồi thấp tại làng cô nhi Long Thành.
Hạnh đã đứng im trên vùng đất hoang đó nhìn ra phía xa. Chiếc áo bà
ba trắng in rõ trên một nền xám xịt và nâu sẫm, chỗ chân trời tiếp giáp với
rừng cây. Mấy người bạn trong đoàn công tác xã hội đã thức dậy ca hát và
chơi đàn quanh lều. Hạnh nói:
- Trông anh mặc áo rét tôi cũng thấy lạnh.
Chị làm bộ rùng mình, hai tay đan vào nhau, thu lại phía trước. Sương
sớm tan dần trên các chòm cây. Trời hửng sáng. Các em cô nhi đi từng
hàng dài từ các dãy nhà ngủ đến phòng ăn, tất cả đều mặc áo vàng đầu cạo