nhầu nát, anh Cầu viết mấy chữ nguệch ngoạc đồng ý cho Hảo sáng mai lên
đường. Đặt lên ngọn đèn đốt xong mẩu giấy đó, ông ôm cả vốc quần áo vừa
kiểm thả hết vào thùng xíp. Bà Mười ngồi bên bếp canh lửa một lúc thì cái
thùng sôi lên sùng sục, nước tóe ra trên chỏm ống cù lao. Ông đậy nắp và
loảng xoảng xích khóa thùng xíp lại. Công việc vừa xong, cũng như mọi
ngày, tiếng xíp lê nổi lên inh ỏi ở ngoài đường, cuống quít kéo dài như rượt
bắt rồi tiếng một chiếc xe bánh xích sào sạo ầm ầm chạy qua với những
tiếng thét líu ríu và bâng quơ của các tên lính ngụy trên xe.
Hảo giúp bà Mười hạ tấm riềm xuống. Ông Mười thổi tắt ngọn đèn và nhấc
đặt cây đèn dưới đầu phản. Xong, mọi người sờ soạng tìm về chỗ nằm.
Câu chuyện bà mẹ nói bắt đầu bằng những tiếng thì thầm âu yếm: “Ở nhà,
con đã ngủ được chút nào không?” Bỗng, từ quãng nào Hảo cũng chẳng để
ý nữa, bà chuyển sang cái đề tài độc nhất bà nói đi nói lại hoài: Khương hồi
nhỏ quặt quẹo lắm, nuôi được nó đã gian nan. Nó ít nói lắm, cứ ru rú như
con gái nhà lành. Thế mà lớn lên, vào Nam ra Bắc, thế nào lại gặp con. Đi
công tác tận đâu đâu, năm bảy tháng về nhà, mẹ đi chợ cứ dặn mẹ mua cho
mấy cái bánh xoài. Hết khen, bà mẹ chuyển sang kể các tật xấu của con,
giọng bà vẫn âu yếm như thế. Thương em lắm nhưng lại ít có thân mật với
em. Khi bận, mặt mũi cau cau có có. Mỗi lần về nhà, kéo theo một đám
bạn, bắt nhà phải sắm ăn, nhiều lúc mẹ phải chạy mệt.
Hảo sè sẹ tháo cái vòng ngọc chị đang đeo ở cổ tay trái khẽ chuồi dưới
chiếc gối chị đang kê đầu.
Bốn giờ sáng, khi đã hết giờ giới nghiêm, ông Lang và người phụ dậy sửa
soạn xe. Ông Mười cũng cất tiếng gọi bà và Hảo. Ông thò tay xuống gầm
phản lấy cây đèn thắp và đặt giữa bàn rồi nói với bà, giọng điềm nhiên:
— Hôm nay con Hai nó phải về. Thằng Trần Thại, thằng Vẹo và bọn Mỹ
— Diệm ở đây muốn kiếm chuyện bắt nó thế cho thằng Khương. Phải cho
nó đi ngay.
Lạ là bà Mười không nhúc nhích, không nói gì hết, hai mắt mở trân trân.
Ông Mười giục Hảo sửa soạn. Chánh đang ngủ say. Hảo cúi xuống khẽ hôn
lên trán em, xong trở lại cầm tay mẹ.
Bà Mười im lặng.