những năm khó khăn nhất, Khương buộc các em phải chằm nón, nuôi gà để
học.
Bà Mười liếc nhìn chồng, sợ thay cho Chánh. Nhưng ông Mười có vể
không để ý.
— Sáng nay, má đi chợ gặp chị Ba mày. Nó bảo mày lên ở với nó cho vui,
phụ làm ảnh với anh Ba. Trên đó, công việc nhiều, kiếm người không ra.
Chánh nói:
— Vì vậy mới đi học!
Bà mẹ hiền lành không hiểu tại sao Chánh lại nói vì vậy. Bà chỉ ngờ lờ mờ
vì Khương có dặn lại, và thằng em cứ một bụng với lũ anh:
— “Họ” dạy toàn chuyện phong kiến đế quốc, học làm gì?
Chánh bật lên một tiếng cười lảnh. Em vừa có vẻ tự tin, vừa khinh miệt cái
trường em sẽ đến học.
Ông Mười gấp chiếc áo, dận chiếc bàn là lần nữa lên các ve áo, một tay đặt
chiếc bàn là lên mặt phiến gạch, một tay đặt chiếc áo vào chồng quần áo đã
sắp trên mặt phản. Công việc trong ngày, về phần ông, thế là xong.
Ngồi vào mâm, ông mới bảo Chánh:
— Mai, đi xin giấy đi.
Đến lượt Chánh không đáp. Em nghĩ về sự đổi ý đột ngột của cha. Tính
tình cha vụt đổi khác. Đối với Chánh, con út, đứa con nhỏ độc nhất ở lại,
ông dịu ngọt hơn. Song, tính trầm lặng, ông càng trầm lặng hơn. Việc gì
ông cũng có vẻ suy nghĩ nhiều, đắn đo mãi, rồi đột ngột quyết định, có khi
trái hẳn với ý nghĩ ban đầu, như về việc học của Chánh. Tại sao ba lại lạ
như vậy, bây giờ Chánh hiểu rõ hơn mẹ.
Như việc đã thỏa thuận rồi, bà Mười hỏi chồng:
— Con nó đi học thì việc nhà xếp đặt ra sao, mình?
— Việc gì? — Ông mười vặn.
Chánh trả lời mẹ:
— Như cũ thôi: tối tối, con vẫn đi giao quần áo với má.
Ông Mười không nói gì thêm. Nhà bây giờ chỉ có ba người, nhiều việc trở
nên đơn giản. Miễn là họ để cho mình sống yên ổn. Ai ai cũng thầm tính
như vậy, và ai ai cũng chờ đợi những biến cố đột ngột có thể xảy ra. Cánh