cây sục sạc, thế nào Chánh cũng nói với mẹ một nhận xét ngộ nghĩnh và
hai mẹ con nức lên cười.
Tối hôm đó, bà Mười lại hắt hơi một cái nữa và lại “dạ”. Bà gắt lên, sốt
ruột:
— Ủa, nhắc gì mà nhắc mãi vậy?
Chánh biết mẹ nghĩ đến ai sau khi hắt hơi, “dạ” và gắt lên trống không như
thế. Bà tin như thế là có ai ở xa nhắc tới bà, có việc gì sắp xảy tới, có việc
gì phải đề phòng. Nhưng Chánh không trêu mẹ như mọi khi. Chánh còn
đang mải đọc nhẩm một cách kỳ quặc một bài thơ vốn là bài đọc thuộc lòng
ở lớp năm cũ, cứ đọc hai chữ em lại bỏ một chữ. Khi sắp tập kết, mọi người
đều quen nghe bài thơ đó nên bà mẹ cũng thuộc. Vì Chánh không trêu như
mọi bận nên bà không nghĩ lâu trong năm đứa con và hai đứa cháu ngoại ra
đi, đứa nào giờ này nhắc đến mình.
— Chánh, mày đọc cái gì mà lạ thế?
Chánh đang đọc suôn sẻ, bỗng vấp, dừng lại. Em ngước lên, mở to hai mắt
hơi xếch — “mắt thằng anh nó” — hơi nhíu mày một chút nhìn ra xa.
Những đốm lửa câu mực giờ đã đỏ đều, sin sít thành một dãy dài, thẳng từ
núi Phương Mai sang Giành Ráng. Cù lao Xanh vốn nằm chính giữa, giờ
như chìm đi đâu dưới mặt biển chỉ còn nhô ngọn đèn pha vàng đục, lập lòe.
Chánh bật cười, đáp:
— Thế là con nên đi học rồi đấy, má.
Đọc không xuôi tức là nên đi học. Em đã đem điều vẫn băn khoăn ra bói
thử như vậy. Thế là nên đi học. Lần đầu, em nói điều đó để dò ý cha mẹ.
— Ở nhà, con!
Bà liếc nhìn ông. Đi học! Mười mấy năm nay, nhà này khổ vì việc đó, ông
Mười nhiều lần nói ra như vậy. Miệng ăn trong nhà ngày càng đông, đứa
nào cũng đòi đi học, chẳng đứa nào chịu bỏ ngang kiếm lấy một nghề!
Đáng lẽ những đứa lớn, có chữ có nghĩa tàm tạm với người ta rồi nên tự
kiếm lấy ăn để cha mẹ nuôi những đứa em nhỏ. Hoặc những đứa lớn nên
đồng ý cho những đứa nhỏ hơn đi bán cái bánh cái trái, đỡ cho gia đình
được lưng cơm bát gạo! Nhưng ý của ông không được ai theo, cả vào