Mười đang giặt một tônô lớn quần áo, anh ta nói an ủi: “Thôi, làm ăn cốt
qua ngày. Đợi đằng mình về sẽ hay, cậu. Rồi đây nhà cậu không vượt hết
mọi nhà sao?” Nhưng mấy hôm nay, Châu lại xin được thầu cơm tù. Nhà
lao của đối phương thiết lập ở cái nhà dài lợp mái tôn vốn là trụ sở uỷ ban
quân cảng. Mỗi chiều, mấy người đàn bà gia đình Châu nấu nướng trên nhà
lao kĩu kịt gánh những thùng thiếc đầy cơm nguội đỏ, cả nước gạo nữa, về
nhà ông chủ thầu.
Khúc đường nhựa trước mặt nhà, những hôm trời nắng, phơi đầy ruốc, chà
rinh, cơm cháy. Chị rỗi nào đi qua không chịu tránh, mụ Dục ngồi trên
phản the thé gọi giật chửi. Như ngày trước.
Võ Minh Sổ, em kề Châu, bị phung mòn, bàn tay đã cùi hết mấy đốt. Hắn
không cầm được đũa, phải ăn cơm bằng thìa. Hủi ăn mòn một gân chân,
chân thẳng chân vẹo, hắn đi lạch bạch như vịt. Cũng làm nghề như anh, vào
trại lính Tây, mỗi lần về kẹp nách hai viên gạch bọc giấy cẩn thận, y như
người ta gói bánh. Thế mà hắn làm được nhà gạch. Nhà đang xây dở thì
kháng chiến. Hắn gỡ các vách chở đi. Gộp luôn bàn, tủ, đá hoa, các nhà
láng giềng vắng chủ. Năm ngoái, Tây đổ bộ lên, hắn ló mặt, đưa giấy tờ cũ,
xin Tây lại cho thầu thịt. Tây bị đánh phải rút, Sổ bị chính quyền ta bắt,
nhốt vào khu hủi ở Qui Hòa bên kia đèo. Giờ nó lại về đó.
Lúc nào cũng thấy hắn mặc cái áo xítpenxe đũi cụt ngủn kỳ cục, tay phe
phẩy một ngọn roi gân bò. Mỗi buổi sáng bây giờ hắn còn sai người nhà
vào nghĩa địa Tây ở ngay phía sau, gỡ và khênh về những tấm đá mặt bia
bằng cẩm thạch. Hắn nói có ý định đi Sài Gòn chữa bệnh, đợi có ít tiền.
Hắn qua nhà, hỏi trịch thượng:
— Con cái đi hết rồi hả? Đủ lông đủ cánh, bỏ trơ lại ông già bà già, lại đun
đầu vào cái nghiệp cũ!
Để điểm cho câu nói láo xược ấy, hắn cười hì hì:
— Thôi, cậu mợ cứ chịu khó làm mà sống. Ai như thế nào còn có trời biết.
Có gì tui giúp cho. Thời thế cái con chó!
Hắn vung cái roi gân bò đánh “bạch”! một cái vào chân và quay ra. Ông
Mười giận run, ngồi xuống phản, bảo vợ:
— Bà phải coi chừng cái thằng đó.