KHO MUỐI
Nằm mút đường Huyện Nguơn ngó ra rạch Gò-công là một tòa nhà lầu
đồ sộ khá xinh đẹp : Ty Thương-chánh (douanes et régies), mà người dân
Gò-công quen kêu là kho muối, vì hồi trước nơi đây người Pháp buộc nhân
dân phải chở muối về đóng thuế rồi mới được đem đi bán. Người Pháp cai
quản Ty này được đặt tên riêng là tào cáo (do tiếng « tài-cẩu », chó lớn, của
người Tàu mà ra). Nội danh hiệu này đủ tả người Việt vừa sợ vừa oán ghét
Tây nhà đoan là dường nào, bởi nghề nghiệp của chúng chuyên làm khó dễ
dân, tìm bắt những dân nghèo vì quá nghèo phải làm và bán chút đỉnh muối
và rượu lậu thuế.
Trước kho muối, tại mé sông có một cái bến đúc xi-măng nhô ra ngoài
sông khá xa, để cho ghe thuyền cập bến, nay vẫn còn.
NHÀ NAM VÀ NỮ ĐỐC HỌC
Ngày trước, hiệu-trưởng trường nữ-học là một phụ nữ Pháp. Bà này
được ở căn nhà lầu tại đường Gia-Long, trong vòng thành trường Nữ.
Ông Hiệu-trưởng trường nam học sinh thì lại ở một khu nhà trệt phía
đường Hàm-Nghi, dưới bóng những cây da cổ thụ. Hiện nay nhiều cây cối
bị đốn, ở Gò-công chỉ còn một cây da duy nhất là cây da này.
Cuộc đời thay đổi, ngôi nhà trệt đường Hàm-nghi để cho cố vấn Mỹ
đến ở một lúc, và bây giờ là cư xá của Bác-sĩ Tây-ban-nha.
Còn sở nhà lầu trong vòng thành trường nữ hiện là nhà ở vừa là văn
phòng ông trưởng-ty tiểu-học.
BỆNH-VIỆN TRƯƠNG-CÔNG-ĐỊNH
Khởi đầu là một nhà nhỏ ở đầu đường Trưng-nữ-vương, do các bà
phước dòng Saint des Chartres lập nên vào năm 1898, phát thuốc chữa bịnh