trên, có những trụ đèn sắt hình cong như cần câu, đầu cần thòng xuống một
lồng kiếng lục giác dưới nhỏ trên to, treo ở sợi dây cáp có rõ rẽ để thòng
xuống rút lên khi cần đốt. Mỗi buổi chiều một nhơn-viên nhà nước cầm bổi
cháy châm đèn sáng, gài lồng kiếng rồi rút lên cao, móc cứng. Đoạn qua cột
khác, thật là một công trình khổ nhọc để cung cấp cho thành phố một thứ
ánh sáng lờ mờ vàng khè, dơ dáng và buồn tẻ.
Hết thời kỳ kinh-tế khủng hoảng, Gò-Công mới được cung cấp một
máy điện nhỏ, tuy chẳng ra gì nhưng cũng còn khá hơn đèn dầu.
Mười năm qua, máy điện nhỏ như con trâu già bắt đầu cự nự khỏe thì
chạy, mệt thì nghỉ, sáng tối mặc bây.
Năm 1950 một máy đèn lớn được chở về Gò-Công ! Ngon lành ! Ai
nấy xoa tay : « Từ đây thì phải biết tớ ». Nhưng dân chúng lại một phen
mừng hụt. Máy đèn có, nền đặt máy xây đắp xong, nhưng còn thiếu dây
phát điện đặt mua bên Pháp còn chờ gởi qua. Thì giữa lúc ấy Gò-Công bị
chánh quyền Sài-gòn « ông ứng » sửa lưng thành một quận sát nhập vào
Định-Tường. Quận đối với Tỉnh là « cửa con », cái máy đèn lớn của Gò-
Công chưa xử dụng bị Mỹ-Tho chở về xài. Bây giờ Gò-Công lấy địa-vị
Tỉnh vẫn chưa lấy lại được máy đèn, và vẫn phải dùng đỡ con trâu già (máy
đèn nhỏ cũ) cà rịch cà tang chỉ cấp điện lực cho thành phố từ 7 giờ tối đến
12 giờ khuya, con trâu già đi ngủ để rồi thức dậy chạy lại từ 5 giờ tới 6 giờ
rưỡi sáng. Trước Tết Kỷ-Dậu (1969) Gò-Công có thêm một máy điện lớn
220 mã-lực, kể cũng đỡ phần nào.
BỜ LỘ DƯƠNG
Trên quốc-lộ Gò-công – Sài-gòn, đoạn đường từ tỉnh lỵ ra đến Cầu nổi
được tráng nhựa hẳn hòi, xưa kia hai bên đường trồng những cây dương lâu
đời cao vút đều đặn trông ngoạn mục. Người từ xa đến nhìn thấy rặng
dương này là nhận ngay đường đưa tới lăng tẩm Hoàng-gia, Sơn-qui, nơi