Hẻm phố của tôi, 1967
Căn hộ tôi thuê ở Lagos luôn luôn bị trộm viếng thăm. Điều
này không chỉ xảy ra khi tôi đi đâu đó lâu ngày - đi Chad, Gabon
hay Guinea. Ngay cả khi đi một chuyến ngắn đến thành phố lân
cận - Abeokuta hay Oshogbo - tôi cũng biết rằng khi trở về, cửa
sổ sẽ bị tháo khỏi khung, đồ gỗ lật nhào, tủ bị khoắng sạch.
Căn hộ nằm trong trung tâm thành phố, trên đảo Lagos. Hòn
đảo này trước kia là điểm tập kết của những kẻ buôn bán nô lệ
và gốc gác nhục nhã đen tối ấy đã để lại trong bầu không khí của
thành phố một cái gì đó bất an, hung bạo. Người ta luôn luôn
nhận thấy nó. Như khi tôi đi taxi và nói chuyện với người tài xế,
anh đột nhiên im bặt, lo lắng nhìn quanh đường phố. “Có
chuyện gì thế?” Tôi tò mò hỏi. “Very bad place!”
Anh hạ giọng
đáp. Chúng tôi đi tiếp, anh bớt căng thẳng và lại bình tĩnh trò
chuyện. Nhưng lại có một nhóm người đi dọc phố (trong thành
phố không có vỉa hè), người tài xế lại im bặt khi nhìn thấy họ,
anh nhìn quanh, tăng tốc. “Có chuyện gì thế?” Tôi hỏi. “Very bad
people!”
Anh trả lời. Mãi tới khi đã vượt qua họ cả cây số, anh
mới trở lại câu chuyện đang dở dang.
Trong đầu người tài xế này hẳn phải có một tấm bản đồ giống
như những tấm treo ở đồn cảnh sát. Chốc chốc, những cái đèn
cảnh báo nhỏ nhiều màu trên đó lại bật lên, lòe sáng và nhấp
nháy, báo hiệu các địa điểm nguy hiểm, những nơi thường bị
tấn công và gây tội ác. Các dấu hiệu cảnh báo này đặc biệt nhiều
trên bản đồ khu trung tâm, chính là nơi tôi sống. Thực ra tôi có
thể chọn Ikoyi - khu vực an toàn và sang trọng của dân nhà giàu
Nigeria, của người Âu và giới ngoại giao - nhưng đó là một nơi
quá nhân tạo, khép kín, riêng biệt và được canh gác cẩn mật. Mà