một người Âu sống một mình. Mà đối với chúng người Âu nghĩa
là người giàu. Khi đó ai sẽ bảo vệ anh?
Tuy vậy, tôi vẫn ngoan cố. Tôi không nghe những lời can
ngăn, tôi đã nhất quyết. Một phần bởi vì đôi lúc tôi bực mình với
những người đến đây, sống trong “tiểu châu Âu” hay “tiểu châu
Mỹ” (nghĩa là tại các khách sạn sang trọng) rồi quay về, sau đó
huênh hoang rằng mình đã ở châu Phi, nơi mà thực ra họ chưa
hề thấy tận mắt.
Và rồi cơ hội xuất hiện. Tôi quen một người Ý, Emilio Madera.
Trong hẻm phố không xa Massey Street, anh có kho nông cụ đã
ngừng hoạt động (người da trắng đang từ từ bỏ dần việc làm ăn
của mình), và bên cạnh nó, nói đúng hơn là bên trên, có căn hộ
hai phòng dành cho nhân viên bỏ trống, vì chẳng ai muốn ở đó.
Anh vui mừng khi thấy tôi muốn thuê căn hộ này. Một buổi
chiều tối, anh chở tôi đến đây bằng xe hơi và giúp tôi mang đồ
đạc lên (theo cầu thang sắt gắn vào bức tường mặt ngoài tòa
nhà). Bên trong mát mẻ dễ chịu vì Emilio đã bật máy điều hòa từ
sáng. Tủ lạnh cũng còn hoạt động. Anh người Ý chúc tôi ngủ
ngon rồi vội vàng biến mất. Sáng hôm sau anh phải bay về
Roma. Sau vụ đảo chính gần nhất, anh sợ những vụ lộn xộn mới
và muốn đem về một phần tiền bạc của mình.
Tôi bắt đầu dỡ đồ đạc ra.
Một giờ sau, điện tắt.
Căn hộ chìm ngay trong bóng tối, mà tôi thì chẳng có lấy một
cái đèn pin. Tồi tệ nhất là máy điều hòa ngừng chạy và lập tức
thấy nóng, ngột ngạt. Tôi mở cửa sổ. Thứ mùi lẫn lộn của hoa
quả thối, dầu rán bị khét, xà phòng và nước tiểu bắt đầu ùa vào
phòng. Mặc dù biển hẳn phải ở đâu đó không xa, nhưng trong
con hẻm kín mít và chật chội này người ta không cảm thấy một