để rồi một giây sau, như làn nước bị mũi tàu rẽ sóng, lại trở về
chỗ cũ của mình.
Chợ châu Phi là một khu chứa khổng lồ đủ mọi thứ không
đâu vào đâu. Một cái mồ của những đồ rẻ tiền và rác rưởi.
Những núi đồ bỏ, đồ linh tinh, hàng rởm. Không gì ở đây có chút
giá trị, không gì gây chú ý và làm người ta ngạc nhiên, không gì
khiến người ta thèm khát được sở hữu. Ở một góc, những đống
xô chậu bằng nhựa màu vàng màu đỏ giống nhau chất cao, góc
kia là hàng nghìn chiếc áo may ô và giày mềm y hệt nhau ngồn
ngộn từng chồng, ở một chỗ khác là những núi vải nhiều màu,
những dãy váy và áo vest vải ni lông óng ánh. Chỉ ở những nơi
như thế này người ta mới có thể thấy rõ thế giới đang ngập tràn
vật chất hạng bét đến thế nào, thấy nó chìm trong biển đồ rỏm,
mô-ve gu và vô giá trị ra sao.
Rốt cuộc, một cơ hội để đến Onitsha đã xuất hiện. Giờ đây, khi
đã ngồi trong xe ô tô, tôi cố tưởng tượng xem mọi thứ ở đó sẽ
như thế nào, trong đầu tôi những hình ảnh kia nhân lên nhiều
lần một cách dị thường, tôi phóng đại chúng đến tầm cỡ của cái
chợ lớn nhất thế giới. Lái xe của tôi tên là Omenka, anh thuộc
loại người thông minh và láu cá, được nuôi dưỡng trong sự giàu
có của các mỏ dầu lửa ở đây, loại người biết tiền là gì và làm thế
nào khiến các hành khách của mình móc ví. Ngày đầu chúng tôi
quen nhau, khi chia tay, tôi không cho anh gì hết. Anh bỏ đi
thậm chí không thèm chào tạm biệt. Tôi thấy áy náy, bởi tôi
không thích mối quan hệ lạnh lùng, hình thức giữa người với
người. Vậy là lần sau, tôi cho anh 50 naira (tiền địa phương).
Anh chào tạm biệt, thậm chí còn mỉm cười. Mạnh dạn, lần tiếp
theo tôi đưa anh 100 naira. Anh chào tạm biệt, mỉm cười và bắt
tay tôi. Lần từ biệt sau đó, tôi cho anh những 150 naira. Anh
chào tạm biệt, mỉm cười, chúc sức khỏe và thân mật siết chặt
tay tôi. Lần tiếp theo tôi lại tăng mức tiền lên và trả anh 200