Trong bóng cây, ở châu Phi
Đã là đoạn kết của cuộc hành trình. Ít nhất cũng là đoạn kết
của phần mà tôi thuật lại. Bây giờ, trên đường về, chỉ còn một
lát nghỉ ngơi trong bóng cây. Cái cây mọc trong làng nhỏ mang
tên Adofo nằm không xa sông Nile Xanh, ở tỉnh Wollega,
Ethiopia. Đó là một cây xoài lớn rậm rạp, quanh năm xanh tốt.
Ai du hành qua những cao nguyên châu Phi, qua Sahel và các
thảo nguyên xa-van vô tận, sẽ thấy một hình ảnh kinh ngạc
luôn lặp đi lặp lại: trên miền cát mênh mông cháy nắng, trên
bình nguyên phủ thảm cỏ úa vàng và những bụi cây khô đầy gai
mọc thưa thớt, đôi lúc lại xuất hiện một cái cây đơn độc, riêng
lẻ, cành xòe rộng. Tán cây sum suê tươi tốt và tràn đầy nhựa
sống, dày tới mức tạo thành một vết màu đậm và sắc nét trên
đường chân trời mà người ta có thể nhìn thấy từ xa. Lá cây rung
rinh và nhóng nhánh, dù không có lấy một làn gió. Từ đâu mà
ra cái cây trên nền phong cảnh chết chóc như trên mặt trăng
này? Vì sao lại chính là ở đây? Tại sao chỉ có một? Nó hút nhựa
sống từ đâu? Đôi khi phải đi thêm nhiều cây số nữa mới gặp một
cây khác.
Có thể nơi đây đã từng có nhiều cây, cả khu rừng, nhưng đã bị
chặt và đốt, chỉ còn sót lại một cây xoài này. Mọi người trong
vùng đều chăm chút nó, họ biết nó quan trọng nhường nào.
Quanh mỗi cái cây đơn độc này luôn có làng mạc. Nếu nhìn thấy
một cây xoài như thế này từ xa, anh có thể mạnh dạn đi về phía
ấy, biết rằng ở đó mình sẽ gặp người, tìm được ít nước uống và
có thể chút gì để ăn. Người ta bảo vệ cái cây vì không thể sống
thiếu nó: trong cái nắng châu Phi, để tồn tại, con người cần bóng
mát, mà cây là cái kho và nguồn cung cấp bóng râm.