Nếu ở làng có giáo viên, gốc cây sẽ là lớp học. Buổi sáng trẻ
con khắp làng sẽ kéo đến đây. Không phân ra các lớp hay giới
hạn tuổi, ai muốn đến học thì đến. Cô giáo hoặc thầy giáo đính
lên thân cây bảng chứ cái in trên giấy. Họ dùng gậy chỉ các chữ
cái, còn đám trẻ nhìn và đọc theo. Chúng phải học thuộc lòng:
chúng không có gì để viết và không biết viết vào đâu.
Trưa đến, bầu trời trắng ra vì nóng, mạnh ai nấy trú vào bóng
cây: trẻ con, người già, nếu trong làng có gia súc thì cả chúng
nữa - bò, cừu và dê. Chờ cho cái nóng ban trưa qua đi dưới bóng
cây tốt hơn là trong những căn nhà đất: trong nhà chật và ngột
ngạt, dưới gốc cây thoáng đãng hơn và nhiều hy vọng có gió
hơn.
Buổi chiều là quan trọng nhất: người lớn tụ họp dưới bóng
cây. Cây xoài là nơi duy nhất họ có thể ăn uống và trò chuyện, vì
trong làng không có nơi nào rộng rãi hơn. Mọi người đến những
cuộc họp như thế này rất nhanh nhẹn và tự nguyện, người châu
Phi là những người có tính đoàn thể một cách bẩm sinh, họ có
nhu cầu rất lớn được tham gia vào tất cả những gì thuộc về đời
sống công cộng. Mọi quyết định đều được đưa ra chung, họ cùng
giải quyết các tranh chấp và mâu thuẫn, cùng quyết nghị ai
được cấp bao nhiêu đất để cày cấy. Theo truyền thống, mọi
quyết định đều phải được nhất trí thông qua. Nếu ai đó có ý kiến
khác, đa số sẽ thuyết phục cho đến khi anh ta thay đổi quan
điểm. Đôi khi điều này kéo dài vô tận, vì đặc điểm của các cuộc
tranh luận này là ba hoa chích chòe tràng giang đại hải. Nếu
trong làng có người cãi nhau thì tòa án được lập ra dưới gốc cây
sẽ không tìm hiểu sự thật hay xác định xem ai có lý, mà chỉ có
nhiệm vụ duy nhất là kết thúc cuộc cãi vã, hòa giải hai bên,
công nhận cả hai đều đúng.