trồ trước những giàn hoa giấy cuồn cuộn và những khóm huệ
thanh nhã yểu điệu, những phiến đá rong rêu phủ dày. Nhưng
còn gì nữa? Có gì ngoài những cái đó? Cư dân của khu này là các
công chức thực dân, họ chỉ nghĩ duy nhất một điều là làm sao
chờ đến hết hợp đồng, mua lấy miếng da cá sấu hay sừng tê giác
làm kỷ niệm rồi ra đi. Những người vợ của họ trò chuyện hoặc là
về sức khỏe của đám trẻ, hoặc là về một party vừa qua hay sắp
đến. Mà tôi thì phải gửi tin tức hằng ngày! về cái gì? Lấy tư liệu ở
đâu? Ở đây có phát hành một tờ báo nhỏ: Tanganyika Standard.
Tôi đã đến thăm tòa soạn của nó, nhưng những người tôi gặp ở
đó lại chính là những người Anh ở Oyster Bay. Và họ cũng đang
cuốn gói.
Tôi đến khu người Ấn. Nhưng tôi biết làm gì ở đó? Đi đâu? Nói
chuyện với ai? Hơn nữa trời nóng nực khủng khiếp và không thể
đi đâu được lâu: chẳng có không khí để thở, chân yếu đi, ướt
đẫm cả áo. Sau một giờ đồng hồ đi loanh quanh như vậy thì
người ta mệt mỏi với tất cả mọi thứ. Chỉ còn lại một khao khát
duy nhất: ngồi xuống đâu đó, nhất định phải ngồi vào bóng
râm, tốt nhất là dưới cái quạt máy. Những lúc như thế ta nghĩ:
các cư dân miền Bắc có biết mình sở hữu một kho báu quý giá
nhường nào, cái bầu trời xám xịt, buồn tẻ, lúc nào cũng đầy mây
ấy, nhưng lại có một ưu điểm to lớn, tuyệt vời là không có mặt
trời trong đó?
Mục tiêu chính của tôi tất nhiên là khu ngoại ô của người
châu Phi. Tôi có ghi lại mấy cái tên. Tôi có địa chỉ của đảng cầm
quyền địa phương - TANU (Tanganyika African National Union,
Liên hiệp Quốc gia châu Phi Tanganyika). Tôi không thể tìm
thấy nó. Tất cả các đường phố đều giống nhau, cát ngập đến mắt
cá chân, lũ trẻ không cho người ta đi qua, chúng thích thú vây
chặt lấy anh, tò mò một cách hung hăng: Người Da Trắng trong
những ngõ hẻm mà người lạ không vào được này là một chuyện