giật gân, là cả một cảnh tượng. Tôi mất dần lòng tự tin theo mỗi
bước chân. Tôi cảm thấy rất lâu trên mình ánh mắt chăm chú,
xua đuổi của những người đàn ông ngồi vô công rồi nghề trước
nhà. Phụ nữ thì không nhìn, họ ngoảnh mặt đi: đó là các phụ nữ
Hồi giáo, mặc những chiếc áo dài đen xếp nếp thùng thình được
gọi là bui-bui che kín mít toàn bộ thân hình và một phần khuôn
mặt. Cái nực cười của tình huống này là ở chỗ ngay cả nếu tôi có
gặp được ai đó trong số những người châu Phi bản xứ và muốn
nói chuyện lâu lâu với anh ta, chúng tôi cũng sẽ không có nơi
nào để đi. Quán ăn ngon là dành cho người Âu, quán tồi dành
cho người Phi. Người này không đến chỗ người kia, không có lệ
ấy. Mỗi ngưồi đều cảm thấy khó chịu nếu thấy mình đang ở nơi
không thích hợp với các quy định của apartheid.
Khi đã có một chiếc xe địa hình khỏe, tôi có thể lên đường. Lý
do: vào đầu tháng Mười, quốc gia giáp ranh với Tanganyika -
Uganda - giành được độc lập. Làn sóng giành độc lập tràn qua
khắp châu lục: chỉ trong một năm 1960, mười bảy quốc gia châu
Phi đã không còn là thuộc địa. Quá trình này vẫn tiếp tục diễn
ra, dù là trong phạm vi nhỏ hơn.
Từ Dar es Salaam đến thủ đô Uganda - Kampala - nơi những
buổi lễ sẽ diễn ra, là ba ngày đường, chạy cật lực từ sáng sớm
đến đêm khuya với vận tốc nhanh nhất có thể. Một nửa là
đường nhựa, nửa kia là đường đá ong đỏ, được gọi là bàn mài
châu Phi, vì chúng có bề mặt lỗ chỗ mà ta chỉ có thể phóng qua
thật nhanh, lướt qua các ổ gà, như cảnh chiếu trong phim Cái
giá của sự sợ hãi.
Đi cùng với tôi là Leo, một anh chàng Hy Lạp, vừa là người
môi giới, vừa là thông tín viên của nhiều tờ báo khác nhau ở
Athens. Chúng tôi đem theo bốn bánh xe dự phòng, hai thùng
xăng, một thùng nước, đồ ăn. Chúng tôi khởi hành lúc bình