- Anh đã nhìn thấy voi chưa?
- Ồ - tôi trả lời - hàng trăm con ấy chứ!
- Thế anh có biết ngày xưa khi người Bồ Đào Nha xuất hiện ở
đây và bắt đầu thu mua ngà voi, họ để ý thấy rằng người châu
Phi không có nhiều ngà lắm. Vì sao? Ngà là thứ chất liệu rất bền
và khó hỏng, vậy thì một khi khó săn bắt voi sống - thường họ
làm việc này bằng cách xua con vật vào một cái hố đào sẵn - có
thể lấy ngà của những con voi đã sa xuống hố từ lâu và nằm
chết ở đó. Họ gợi ý tưởng này cho những người môi giới Phi
châu. Nhưng họ nghe thấy một điều lạ lùng trong câu trả lời:
không có voi chết, không có nghĩa địa của chúng. Đây là một
câu đố khiến những người Bồ Đào Nha bắt đầu thấy tò mò. Voi
chết như thế nào? Di hài của chúng nằm ở đâu? Mồ của chúng ở
đâu? vấn đề là ngà, là xương voi, là món tiền tấn được trả cho
chúng.
“Việc voi chết như thế nào từng là một bí mật mà người châu
Phi giữ kín trước người Da trắng. Voi là con vật linh thiêng và
cái chết của nó cũng thế. Tất cả những gì linh thiêng đều được
một điều bí mật bất khả xâm phạm bao bọc. Điều luôn làm
người ta thán phục nhất là trong thế giới loài vật, voi không có
kẻ thù. Không ai có thể chiến thắng nó. Nó chỉ có thể chết tự
nhiên (thời xưa). Cái chết thường xảy ra vào lúc hoàng hôn, khi
voi đi uống nước. Chúng đứng bên bờ hồ hay sông, mỗi con
vươn vòi ra xa và hút nước. Nhưng có một ngày, khi con voi già
và mệt mỏi không còn sức để nâng vòi lên uống nước nữa, nó
phải đi ra mỗi lúc một xa hơn xuống hồ. Chân nó ngập xuống
bùn mỗi lúc một sâu hơn. Hồ nước kéo nó xuống lòng trũng của
mình. Nó chống chọi một hồi, quẫy đạp, cố gắng thoát lên khỏi
bùn và lùi về bờ, nhưng sức nặng của chính nó quá lớn, còn sức