GỐI ĐẦU LÊN CỎ - Trang 113

- Nếu chỉ là cái nắp làm bằng vỏ cây tùng bình thường thì đúng là có hơi
thô, nhưng cái này thì hơi đặc biệt. Ðây là cái nắp do chính tay ngài Sanyo
đẽo vỏ cây tùng ngài đã trồng trong vườn hồi sống ở Hiroshima để làm ra
đấy.

Thì ra vậy. Sanyo vốn là một người chẳng cao nhã mấy, tôi nghĩ vậy và
đánh bạo nói luôn rằng:

- Nếu là vật tự tay mình làm thì dù sao cũng có vẻ thô vụng, nên thiết nghĩ
ông ta không cần phải mất công tạo hình chiếc vảy rồi đánh cho bóng loáng
lên như thế làm gì!

- A ha! Ðúng thế! Cái nắp này có vẻ rẻ tiền làm sao ấy! Nhà sư ngay lập tức
tỏ ra đồng ý với tôi.

Chàng thanh niên thì nhìn ông cụ với vẻ ái ngại. Ông cụ quẳng cái nắp sang
một bên, có vẻ hơi bực mình. Rốt cuộc thì toàn bộ chiếc nghiên cũng lộ ra
từ dưới đáy túi.

Nếu chiếc nghiên này có nét gì độc đáo để hấp dẫn được người xem, thì đó
là những nét khắc của nghệ nhân trên bề mặt. Ở giữa nghiên nhô lên một
chỗ có hình tròn như mặt chiếc đồng hồ bỏ túi, cao xấp xỉ vành nghiên. Ðó
là hình khắc lưng con nhện. Tám “chấm” của chiếc nghiên nằm ở đầu mút
của tám cái chân nhện tỏa ra các phía như hình cánh cung, trong tư thế đang
chạy. Một “chấm” còn lại nằm giữa lưng con nhện, nhòe nhoẹt như bị lem
bởi một thứ nước quả màu vàng. Phần xung quanh lưng và chân nhện được
khoét sâu xuống khoảng gần bốn centimet. Có lẽ phần khoét rỗng bao
quanh này không phải là chỗ đựng mực. Hơn hai lít nước rót vào cũng chưa
đầy phần lõm đó. Có lẽ người ta phải dùng một chiếc muôi bạc múc một
chút nước từ trong bình đổ lên lưng con nhện, rồi mài thỏi mực quý vào
trong nước để hòa tan. Nếu không phải thế thì dù được gọi là nghiên mực,
trên thực tế nó không khác gì một món đồ trang sức thuần túy ở văn phòng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.