GỐI ĐẦU LÊN CỎ - Trang 111

ông ta trở nên thô thiển, chẳng có gì hay ho!

- A ha! Cụ chủ nhà bật cười - Vì thầy không thích ngài Sanyo nên tôi đã
thay bức chữ của ngài sang bức khác rồi.

- Thế à?

Hòa thượng quay nhìn ra phía sau. Trong góc nhà, trên bục gỗ được đánh
bóng như gương có đặt một chiếc lọ bằng đồng đã cũ, bên trong cắm cành
hoa mộc lan cao gần một mét. Phía sau lọ hoa là một bức đại tự của
Bussorai viết một cách công phu trên loại giấy hoa tiên cũ tuyệt đẹp. Nền
giấy này không phải là loại giấy lụa, nhưng vì giấy đã cũ nên bức chữ
không chỉ có vẻ đẹp của thư pháp mà còn đẹp vì màu giấy cũng rất hòa hợp
với màu nền ở xung quanh. Tôi nghĩ có lẽ khi làm giấy, để tấm giấy bớt đi
vẻ sặc sỡ, người ta đã làm cho màu sắc nhạt đi và những đường dát vàng lặn
xuống, có như thế mới thể hiện được vẻ đẹp thanh đạm và cổ kính, mới tạo
ra sự hòa hợp tuyệt vời như vậy. Ngoài hai chiếc ngà voi trắng hai bên nổi
bật trên vách đất có màu nâu sẫm và cành hoa mộc lan lòa xòa phía trước,
chỗ góc nhà chìm trong gam màu tối đến mức ảm đạm.

- Của Sorai phải không? Nhà sư hỏi, vẫn đang trong tư thế quay nhìn.

- Hình như ngài cũng không thích Sorai lắm, nhưng có lẽ còn đỡ hơn
Sanyo.

- Rõ ràng là Sorai khá hơn. Chữ của những bậc học giả thời Kyoho[2] thì
dù không đẹp vẫn có nét tao nhã.

[2] Kyoho là niên hiệu được dùng trong khoảng thời gian 1716 - 1735 ở
Nhật Bản.

- Thầy ạ, có phải Sorai đã nói rằng: “Kotaku mới là nhà thư pháp Nhật Bản
vĩ đại, còn chúng ta đều là kiểu mô phỏng Trung Hoa cả”?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.