- Tôi không rõ. Làm gì có chuyện khoác lác về thư pháp đến mức ấy! Hòa
thượng bật cười to.
- Thầy có theo học ai không nhỉ?
- Tôi ấy à? Cụ biết đấy, Thiền sư thì không đọc sách, mà cũng không luyện
chữ.
- Nhưng hình như thầy có theo ai đó?
- Hồi còn trẻ thì tôi có một dạo học chữ ngài Kosen. Chỉ thế thôi. Nhưng
nếu người ta xin chữ thì lúc nào tôi cũng sẵn sàng cho. Hà hà! Mà này, cho
tôi mượn cái nghiên đá Giang Tây ấy một chút xem nào - Nhà sư đề nghị.
Rồi ngài cầm lấy cái túi lụa. Mọi người chăm chú nhìn vào chiếc nghiên.
Một chiếc nghiên bằng đá thường có bề dày khoảng bốn centimet, nhưng
cái này thì dày gần gấp đôi. Chiều rộng và chiều dài khoảng mười ba và
mười bảy centimet, có thể nói là cỡ trung bình. Nắp nghiên được làm bằng
vỏ cây tùng để mộc, có hình một chiếc vảy và được đánh bóng, trên nắp có
ghi hai chữ bằng mực đỏ, kiểu thư pháp gì thì tôi không rõ lắm.
- Cái nắp này... - Ông cụ nói - Cái nắp này không phải là một cái nắp bình
thường. Mọi người xem, đúng là vỏ cây tùng đấy. Nhưng mà...
Ánh mắt ông cụ nhìn về phía tôi. Tuy nhiên, vì vốn là một họa sĩ, chẳng
hiểu sao tôi không mấy hứng thú với một cái nắp nghiên làm bằng vỏ cây
tùng, dẫu nguồn gốc của nó có gắn với chuyện gì đi chăng nữa. Vì vậy tôi
lên tiếng:
- Nắp bằng vỏ tùng thì hơi thô, phải không ạ?
- Ừm... Ông cụ khoác tay ra vẻ phản đối: