Chương 12
Tôi nhớ Oscar Wilde đã nói rằng: “Thiên Chúa giáo là món ăn tinh thần
cao cấp nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ”. Thiên Chúa giáo thì tôi không rõ.
Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó đúng với trường hợp như vị hòa thượng ở chùa
Kankaiji. Không thể nói đó là sở thích. Mà cũng không phải thú vui để giải
sầu. Ông đã treo lên tường một bức tranh vẽ Bồ Tát khó có thể gọi là hội
họa, rồi lại còn khen là vẽ đẹp đấy chứ! Ông còn phát biểu rằng trong thế
giới hội họa cũng nên có danh vị tiến sĩ. Và cũng chính ông đã nghĩ rằng
mắt của loài bồ câu có thể nhìn thấy được trong đêm. Nhưng có thể nói rằng
ông là người có tư chất của một họa sĩ, bất chấp tất cả những điều này. Tâm
hồn ông như một cái giếng sâu không đáy. Mọi thứ đều có thể trôi tuột qua
mà không gặp bất cứ trở lực nào. Ông hành xử rất tự nhiên thoải mái, lòng
không gợn chút gì vẩn đục. Chỉ cần ở ông có thêm một chút đam mê nữa thì
ông đã trở thành một họa sĩ đích thực, có thể nhập tâm vào ngoại giới ở bất
kỳ đâu, trong từng chi tiết nhỏ của cuộc sống đời thường.
Người như tôi thì không thể là một họa sĩ đích thực chừng nào mình còn bị
nhòm ngó bởi những đôi mắt tọc mạch ở xung quanh. Những lúc ấy thì tôi
chỉ có thể ngồi vào trước giá vẽ. Hoặc có thể cầm bảng pha màu trên tay.
Nhưng không thể là một họa sĩ đích thực. Chỉ khi đến một ngôi làng sơn
cước xa lạ, khi đắm mình trong sắc màu của trời đất lúc cuối xuân như thế
này thì tôi mới nhìn thấy ở bản thân mình hình ảnh một họa sĩ chân chính.
Một khi đã bước chân vào thế giới này thì mọi vẻ đẹp trên đời đều trở thành
cái đẹp của chính bản thân ta. Dù chưa vẽ nét cọ nào, chưa tô vệt màu nào
thì ta vẫn cảm thấy mình là một họa sĩ thuộc hàng thượng đẳng. Dẫu biết
mình không thể sánh với Michelangelo về kỹ thuật, không thể bì được
Raphael ở sự tinh tế, nhưng nói về tố chất của một họa sĩ thì tôi phải khẳng
định mình không hề thua kém những danh họa từ cổ chí kim. Từ khi đến
chỗ suối nước nóng này tôi chưa vẽ được bức tranh nào cả. Tôi mang theo