họa cụ chỉ đơn giản vì sự hứng thú nhất thời mà thôi. Có thể người khác sẽ
cười vào mặt tôi mà bảo rằng, như thế mà cũng là họa sĩ! Nhưng dù có bị
coi thường đến mấy thì giờ đây tôi vẫn cảm thấy mình đang là một họa sĩ
thực thụ. Và là một họa sĩ tầm cỡ nữa! Ðạt đến trạng thái này thì không nhất
thiết phải vẽ được những bức tranh đẹp. Nhưng người có thể vẽ ra những
bức tranh đẹp không thể không trải nghiệm trạng thái này.
Trên đây là những điều tôi suy nghĩ lan man trong lúc ngồi thư thả hút
thuốc sau bữa sáng. Mặt trời đã vượt lên cao hơn đám sương mù. Tôi mở
cánh cửa trượt, ngắm dãy núi đằng xa. Rừng cây trên núi xanh một màu
xanh trong trẻo và tươi mát đến lạ thường.
Tôi vẫn nghĩ rằng mối quan hệ giữa không khí, màu sắc và hình dáng sự vật
là chủ đề nghiên cứu hấp dẫn nhất trên đời. Ta nên dùng màu sắc, hay hình
dáng sự vật để thể hiện không khí. Hay ta lấy không khí làm chủ đạo để thể
hiện màu sắc và sự vật đan xen? Sự phối hợp này trong hội họa chỉ cần
khác đi một chút thì sẽ bức tranh sẽ thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi này chắn
chắn sẽ khác nhau tùy theo phong cách nghệ thuật của từng họa sĩ. Và tất
nhiên cũng bị giới hạn bởi yếu tố địa điểm, thời gian. Tranh phong cảnh của
họa sĩ Anh quốc chẳng có bức nào là sáng sủa. Có thể là họ không thích
những bức tranh rực rỡ, nhưng dù có thích thì họ cũng chẳng vẽ được bức
tranh sáng sủa nào trong bầu không khí ảm đạm ấy. Tuy cũng là người Anh
nhưng tranh của Goodall[1] thì khác hẳn. Ðúng là một kiểu tranh rất khác.
Tuy là người Anh nhưng ông chẳng bao giờ vẽ tranh phong cảnh về nước
Anh. Họa sĩ này không lấy quê hương làm đề tài hội họa. Ông toàn chọn
những nước như Ai Cập hay Ba Tư - những nơi có phong cảnh trong trẻo và
tươi sáng hơn nhiều so với nước Anh. Thế nên tranh của ông thường làm
người mới xem lần đầu phải giật mình kinh ngạc: một người Anh mà có thể
vẽ được những bức tranh trong trẻo thế này sao? Phong cách cá nhân thì
hẳn nhiên chẳng có gì để nói. Nhưng nếu chủ tâm vẽ tranh phong cảnh Nhật
thì chúng ta phải thể hiện màu sắc và không khí đặc trưng của nước mình.
Dù anh có ngưỡng mộ phong cảnh trong tranh Pháp đến đâu, anh cũng
không thể vay mượn nguyên xi phong cảnh đó đưa vào trong tác phẩm của