mình, rồi bảo đây là tranh phong cảnh Nhật. Họa sĩ phải sống với phong
cảnh thiên nhiên xung quanh mình, để tâm hồn hòa nhập vào cảnh mây
chiều sương sớm, cho đến lúc nào đó chợt bắt gặp đúng sắc độ mình cần thể
hiện thì ngồi ngay vào giá vẽ. Màu sắc đổi thay trong từng giây từng phút.
Nếu để lỡ mất cơ hội thì không dễ gì gặp lại sắc độ mình cần. Trên sườn núi
trước mắt tôi bây giờ đang tràn ngập những màu sắc vô cùng tươi đẹp
nhưng lại rất khó tìm trong phong cảnh quanh đây. Một cơ hội quý báu
dường này mà để trôi qua mất thì quả là đáng tiếc. “Mình phải vẽ lại thôi”,
tôi tự nhủ.
[1] Frederick Goodall (1822 - 1904) là một họa sĩ người Anh.
Khi mở cửa bước ra hành lang, tôi thấy cô nàng Nami đang đứng tựa cửa
trên tầng hai của gian nhà bên kia. Cằm cô khuất trong cổ áo, và tôi chỉ thấy
được gương mặt nhìn nghiêng. Tôi định cất tiếng chào thì tay phải cô bỗng
giơ lên, cứ như bị gió thổi, còn tay trái thì vẫn giữ nguyên tư thế đang
buông xuống. Một luồng ánh sáng như tia chớp chạy nhằng qua ngực cô hai
ba lần, có tiếng “tách” khe khẽ kèm theo, rồi ánh sáng biến mất. Tay trái cô
đang cầm một con dao cán gỗ dài chừng ba tấc. Rồi ngay lập tức cô mất hút
vào phía sau cánh cửa. Tôi bước ra khỏi nhà mà cảm giác như mình mới
vừa xem một cảnh diễn Kabuki[2] vậy.
[2] Kabuki là một loại hình nghệ thuật sân khấu Nhật Bản, có kết hợp âm
nhạc, kịch và vũ đạo.
Ra khỏi cổng, rẽ trái là thấy ngay một con đường dốc cheo leo dẫn lên sườn
núi. Nghe loáng thoáng tiếng chim chích trong đám cây rừng. Bên trái là
một con dốc thoải dần xuống thung lũng trồng đầy quýt. Bên phải là hai
ngọn đồi thấp, hình như cũng là nơi trồng quýt thì phải. Mấy năm về trước
tôi đã có lần đặt chân đến chỗ này. Chính xác là cách đây bao lâu thì tôi
cũng chẳng buồn tính nữa. Chỉ nhớ lúc đó trời đang lạnh, có lẽ là vào độ
cuối năm. Ðó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những vườn quýt sum xuê
như vậy. Khi tôi ngỏ ý muốn mua một nhánh quýt thì người ngồi trên cành