Nihonbashi[1]. Nếu mà ta ra đứng giữa cầu để hỏi thăm từng người một về
những ẩn ức trong đời sống cá nhân, hẳn ta sẽ kinh ngạc nhận ra rằng cuộc
sống vô thường này là không thể nào chịu nổi! Chính vì chúng ta cứ nhìn
nhau như là những người không quen biết nên mới có người tình nguyện
đứng phất cờ tín hiệu cho tàu chạy qua cầu. Người đàn ông câu cá nhìn
gương mặt Kyuichi chừng như sắp khóc mà không thấy thắc mắc gì, đó mới
là điều may mắn. Khi tôi quay nhìn lại thì vẫn thấy ông ta đang điềm nhiên
ngồi nhìn chiếc phao. Và có lẽ ông ta vẫn sẽ ngồi nhìn như thế cho đến khi
chiến tranh Nhật - Nga chấm dứt.
[1] Tên một chiếc cầu ở khu trung tâm Tokyo.
Dòng sông không rộng lắm. Mà lòng sông cũng không sâu. Nước sông chảy
lững lờ. Chúng tôi cứ tựa vào mạn thuyền này, trôi trên mặt nước này đến
tận nơi đâu? Có lẽ là cứ trôi mãi qua lúc xuân tàn, trôi đến chỗ ồn ào đông
đúc - nơi mà người ta cơ hồ muốn va chạm vào nhau. Chàng thanh niên có
vết đỏ giữa chân mày như một thứ dấu hiệu của chiến tranh đẫm máu này
đang kéo theo cả đoàn người chúng tôi không thương tiếc. Có lẽ chúng tôi
phải đi theo chàng cho đến khi chấm dứt sợi dây duyên nghiệp đã ràng buộc
giữa chàng và chúng tôi không biết tự ngày tháng năm nào. Cũng như
chàng vì định mệnh mà phải đi đến tận phương Bắc xa xôi, tối tăm và khốc
liệt. Khi nhân duyên giữa chúng tôi chấm dứt, giống như một sợi dây đến
lúc đứt rời ra, thì chỉ còn một mình chàng thanh niên bị cuốn theo định
mệnh của riêng chàng. Còn chúng tôi phải chấp nhận là những người ở lại.
Lúc ấy cho dù có van xin, có vật nài đến đâu thì chàng cũng không thể nào
kéo chúng tôi theo được nữa.
Cảm giác vui vui khi chiếc thuyền lướt đi rất nhẹ. Cỏ rậm rạp hai bên bờ
sông hình như là loại cỏ đuôi chồn. Và nhiều cây liễu mọc phía trên bãi
sông. Thỉnh thoảng lại hiện lên vài ngôi nhà mái rạ thấp lè tè, cửa sổ ám
đầy muội khói. Những con vịt lông trắng rải rác đó đây. Chúng vừa kêu cạc
cạc vừa bơi ra giữa dòng.