- Có lẽ cụ thích môn bắn cung lắm nhỉ? Tôi cười cười, bắt chuyện.
- Hồi còn trẻ tôi cũng kéo được loại cung to lắm đấy. Bây giờ tay vẫn còn
chắc lắm.
Ông cụ vỗ vỗ vào vai trái. Phía đầu thuyền, câu chuyện về chiến tranh vẫn
đang giòn giã.
Một lúc sau, thuyền chừng như đã đi vào trong phố. Tôi thấy trên một cửa
quán nhậu có biển ghi “Rượu và thức nhắm”. Một quán khác có tấm màn
treo cửa cũ kĩ. Rồi một cửa hàng bán gỗ. Và có tiếng xe kéo thấp thoáng
vọng sang. Lũ chim én ríu rít nhào liệng trên không. Ðám vịt thì kêu cạc
cạc. Ðoàn chúng tôi rời thuyền, đi về phía nhà ga.
Tôi đang bị kéo về thế giới hiện thực. Theo cách nghĩ của tôi thì thế giới
hiện thực là nơi ta có thể nhìn thấy những đoàn tàu hỏa. Không có gì đặc
trưng cho sự văn minh của thế kỷ hai mươi bằng tàu hỏa. Những chiếc hộp
chạy rầm rập nhồi nhét bên trong cả trăm người. Chẳng có chỗ nào dành
cho cảm xúc. Những con người bị nhồi nhét ấy phải di chuyển cùng một tốc
độ, dừng lại cùng một nơi, và cùng tắm mình trong thứ hơi nước động cơ
của đoàn tàu. Người ta bảo là “lên tàu”. Tôi thấy như thế là bị nhồi nhét.
Người ta bảo là “đi tàu”. Tôi thấy là “bị áp tải”. Chẳng có cái gì chối bỏ cá
tính như là thứ tàu này. Văn minh làm cho con người có thể phát huy cá tính
nhờ những phương tiện nhất định, nhưng rồi cũng có những thứ phương
tiện hủy hoại cá tính của con người. Kiểu văn minh hiện thời cứ như là cấp
cho mỗi người một mảnh đất nhỏ xíu như nhau, rồi bảo người ta cứ tùy ý,
thức hay ngủ gì trên mảnh đất ấy cũng được. Ðồng thời lại dựng lên một
hàng rào thép xung quanh mảnh đất kia, không cho người ta bước ra ngoài
dù chỉ là một bước. Những người sống tự do bên trong hàng rào thì cũng
muốn sống tự do ở bên ngoài, đó là chuyện hiển nhiên. Vậy là người dân tội
nghiệp của một đất nước văn minh phải ngày đêm rên rỉ bên trong những
chấn song lạnh lẽo này. Văn minh mang đến cho con người tự do cá nhân,