lồng ngực râm ran không ngớt.
Buổi trình diễn bắt đầu sau bài diễn văn tất niên của ông Hiệu Trưởng và
lời chúc tụng giáo sư của toàn thể học sinh. Quả như lời cô Mỹ nói, số khán
giả đông nghẹt. Những nam sinh Phan Chu Trinh chen chúc trên những ghế
dài ở cuối phòng. Quần xanh áo trắng, họ làm thành một tập thể ồn ào và lạ
mắt giữa rừng áo quần đủ màu sặc sỡ của khán giả phụ huynh thân nhân
học sinh.
Mỗi một màn trình diễn thành công là mỗi tràng pháo tay muốn vỡ tung cả
phòng khánh tiết. Sân khấu đã tạo nên được cái say mê quen thuộc và các
học sinh trình diễn không còn run sợ.
Cô Mỹ đến gần vỗ vai tôi bảo:
- Sắp đến phiên Mỵ rồi đó. Ráng nghe.
Tôi run lên. Hai chân như muốn khuỵu xuống. Nhưng tấm màn nhung đã
mở. Tôi bước ra đơn độc ngoài sân khấu. Khiếp. Sao hát hợp ca vui và bạo
thế mà bây giờ tôi run không thể tưởng tượng được. Tiếng Mai nói nhỏ ở
cánh sân khấu:
- Không có gì đâu. Ráng lên. Sắp vào rồi đó. Một, hai, ba, bốn …
Tôi men theo tiếng đàn – Bài “Hoài cảm” của Cung Tiến buồn như một
cung đàn lỡ … “Chiều buồn len lén tâm tư mơ hồ nghe gió thu đưa. Rạt rào
vọng những âm xưa …
Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người đâu ân tình cũ. Chờ hoài nhau trong
mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa …”
Tôi không còn nhớ là lòng tôi hát hay miệng tôi hát nữa. Qua một phút nghỉ
cho nhạc tôi nghe tiếng Mai khen:
- Hay lắm Mỵ ơi, được lắm …
Dứt bài hát, những tràng pháo tay vang dội khắp thính đường. Tôi bối rối
nhìn vào trong. Cô Mỹ giục:
- Em cám ơn, rồi hát môt bài nữa để trả lễ đi.
Tôi nói theo lời nhắc của cô Mỹ:
- Em xin cám ơn quý vị, và sau đây em xin trinh bày bản “Trương Chi”
Nhac dạo những cung bậc réo rắc. Tôi chờ đợi. Bỗng từ dưới xa, phía các
nam sinh, một câu nói vọng lên rõ mồn một: