chán học lắm mà.
Tôi ấp úng:
- À … Mỵ gặp anh Dụng, anh ấy khuyên Mỵ nên học. Mỵ thấy anh anh
khuyên đúng nên bỏ cơn lười đi.
Anh Văn cười:
- Thế sao anh Văn khuyên Mỵ, Mỵ chả lý gì đến, còn anh Dụng, chả quen
thân Mỵ lại nghe.
Tôi bực mình không thể tưởng tượng được, nên hậm hực nhát gừng:
- Anh chuyên môn làm khó với Mỵ thôi. Mỵ không thèm đâu.
Nói xong, tôi bỏ chạy lại bàn học ngồi. Anh Văn biết tôi giận nên không
đùa nữa. Gương mặt anh nghiêm nghị hẳn lại, anh đưa thư cho tôi và nói:
- Anh không đùa dai Mỵ đâu. Nhưng anh hỏi là để Mỵ thấy rằng việc thân
hay không đâu thành vấn đề. Điều chính yếu là mình có tin nhau không.
Anh biết chắc là thằng Dụng nó mến Mỵ lắm.
Tôi đỏ mặt thẹn thùng. Đây không phải là ảo tưởng, những bất ngờ trong
cuộc đời thật không ngờ được. Tôi cúi đầu mân mê bức thư dày trên tay.
Hình ảnh anh Dụng lại hiện ra bên bờ sông Đà giữa nắng chiều.
Anh Văn lặng lẽ ra về tự lúc nào. Tôi đóng nhẹ cánh cửa ngăn đôi căn gác.
Kéo tấm rèm che cửa sổ, tôi nằm xuống bóc phong thư tỏ tình thứ nhất
trong đời:
“ … Bỏ ngoài sự sắp xếp của Thượng Đế, tôi muốn cám ơn Mỵ về sự gặp
gỡ hôm nọ, một cuộc gặp gỡ mà tôi không thể nào quên được. Và chính
điều đó đã giúp tôi xác tín một lần nữa với lòng mình. Tôi yêu Mỵ …”
Tôi đọc đi đọc lại bức thư của Dụng đến ba lần. Có đoạn hầu như tôi thuộc
lòng. Không có một cung nhạc nào êm đềm bằng. Không có một bài thơ
nào trác tuyệt hơn. Tôi nhắm mắt lại và lòng bỗng dưng thênh thang như
một bay bổng lên mây. Tôi nhớ đến lần gặp gỡ thứ hai giữa tôi và Dụng.
Lần này không phải là cuộc tình cờ mà là một sắp đặt tìm kiếm. Dụng đến
tìm tôi.
Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn nhớ như in, gương mặt của Dụng khi giải
thích lý do sự thăm viếng bất ngờ, và hiếm có này. Tôi thì vừa sung sướng
vừa cảm động nên chỉ biết lí nhí mời ngồi, quên cả pha nước đãi khách.