pháp luật ở trên núi phải trở về trong thời hạn ba tháng. Đúng hạn, một nửa
triệu binh lính được điều về những tỉnh miền núi trong khắp nước. Không
điều tra, không xét xử. Bất cứ người nào bị bắt gặp bất cứ ở đâu đều bị bắn
chết tại chỗ. Quân đội hoạt động trên cơ sở làm cho không còn lại một
người nào sống ngoài vòng pháp luật trên núi nữa. Một vài nhóm chiếm
được những vị trí vững mạnh chống lại rất anh dũng, nhưng cuối cùng thì
tất cả những người trốn không đi dân vệ đều bị chết.
Tuy vậy vẫn còn một bài học trực tiếp hơn đập mạnh vào tâm trí nhân
dân: đó là sự trấn áp dân vệ bang Kansas. Cuộc nổi loạn ở Kansas xảy ra
ngay khi bắt đầu có những cuộc hành quân chống Đảng Kho thóc. Sáu
nghìn dân vệ đã nổi loạn. Trước đó họ đã tỏ ra rất phẫn nộ và rất ngỗ ngược
liên tiếp trong nhiều tuần lễ, và vì vậy cho nên họ giữ lại trại. Dẫu sao, họ
công khai nổi loạn sớm như vậy cũng là do có bọn nhân viên khiêu khích
thúc đẩy.
Đêm hôm 22 tháng tư, họ nổi dậy giết chết gần hết sĩ quan, chỉ có một
số nhỏ trốn thoát. Việc đó vượt cả âm mưu của cái Gót sắt, vì bọn nhân viên
khiêu khích đã làm việc quá ư đắc lực. Nhưng mọi sự đều có lợi cho cái Gót
sắt. Chính nó đã chuẩn bị cho cuộc khởi loạn nổ ra, và sẽ vin vào việc nhiều
sĩ quan bị giết để bào chữa cho những hành đồng sau này. Như một trò ảo
thuật, bốn vạn binh lính của quân đội chính quy vây kín những người bất
mãn. Đây hoàn toàn là một cái bẫy. Đoàn dân vệ khốn khổ lúc đó mới thấy
súng máy của mình đã bị đánh tráo và đạn trong các kho họ chiếm được
không vừa cỡ súng. Họ kéo cờ trắng hàng, đối phương cũng không hề đếm
xỉa. Không một ai sống sót. Tất cả sáu nghìn người đều bị tiêu diệt. Trước
họ còn bị bắn bằng đại bác và súng cối, về sau, đến lúc tuyệt vọng, họ xung
phong ra phá vòng vây thì bị quét bằng liên thanh. Tôi đã nói chuyện với
một người được mục kích trong thảm cảnh ấy, ông ta bảo người lính dân vệ
nào tiến đến gần súng liên thanh nhất cũng còn cách xa một trăm năm mươi
mã. Mặt đất ngổn ngang xác chết. Cuối cùng, kị binh xông vào dùng súng